Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy vừa ký ban hành Quyết định số 2396/QĐ-BNNMT, phê duyệt Kế hoạch đẩy mạnh xuất khẩu nông lâm nghiệp và thủy sản năm 2025, hướng tới mục tiêu đạt 65 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ, 6 tháng cuối năm 2025 có thể chỉ đạt 31,6 tỷ USD, giảm 4,8% so với cùng kỳ năm 2024 – tương đương mức sụt giảm khoảng 1,6 tỷ USD, nếu thuế đối ứng từ Mỹ duy trì như hiện nay (10%).

Do đó, Bộ trưởng nhấn mạnh yêu cầu hành động khẩn trương, đồng bộ, với ưu tiên giữ vững thị phần, khai thác tốt 3 thị trường tiềm năng: Mỹ, Trung Quốc, EU; Tăng tốc xuất khẩu ngắn hạn trong quý II và quý III, đồng thời kiểm soát tốt rủi ro về kỹ thuật và thương mại.

Gỗ và thủy sản: 2 'mũi nhọn' chịu áp lực lớn từ thị trường Mỹ

Gỗ và sản phẩm gỗ hiện là mặt hàng xuất khẩu chủ lực, song cũng đang chịu sức ép lớn nhất từ thuế suất Mỹ do quy mô thị phần quá lớn. Bộ đặt mục tiêu xuất khẩu năm 2025 đạt 18,5 tỷ USD, tăng 7% so với 2024.

Để đạt mục tiêu này, Bộ yêu cầu tận dụng ưu thế về sản phẩm đa dạng, chi phí cạnh tranh, năng lực sản xuất linh hoạt (OEM/ODM), đặc biệt là tuân thủ tiêu chuẩn gỗ hợp pháp. Đồng thời, chủ động ứng phó điều tra phòng vệ thương mại, và mở rộng xuất khẩu sang Trung Quốc, Nhật Bản, EU với các mặt hàng như ván dăm, gỗ xẻ, đồ mộc xây dựng…

Tương tự, ngành thủy sản cũng gặp khó tại thị trường Mỹ do các rào cản kỹ thuật và pháp lý như Đạo luật Bảo vệ động vật có vú ở biển (MMPA). Mục tiêu xuất khẩu năm 2025 là 10,5 tỷ USD, tăng nhẹ 4,3%.

Để đạt được điều này, Bộ yêu cầu ngành thủy sản tăng thị phần cá tra tại Mỹ, đa dạng hóa xuất khẩu tôm hùm, nhuyễn thể sang Trung Quốc, đồng thời mở rộng thị trường tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Đông, EU và Mỹ Latin.

Đặt cược 65 tỷ USD cho nông sản, Việt Nam dồn tổng lực đối phó thách thức từ 3 thị trường chiến lược

Gỗ, thủy sản, gạo, trái cây đối mặt loạt thách thức từ 3 thị trường lớn.

Gạo, rau quả và cà phê: Cần linh hoạt chuyển hướng, giảm lệ thuộc

Mặt hàng gạo tuy không chịu áp lực lớn về thuế tại Mỹ, nhưng đối mặt với sự suy giảm từ đầu năm do giá xuất khẩu giảm và nguồn cung dồi dào trên thế giới. Mục tiêu xuất khẩu 2025 là 5,7 tỷ USD, nhưng dự báo có thể chỉ đạt 5,5 tỷ USD, giảm 4,4%.

Để giữ vững mục tiêu, Bộ khuyến khích doanh nghiệp mở rộng sang thị trường mới như EU, Hàn Quốc, Singapore, tập trung sản phẩm chế biến như bún, mì, phở, đồng thời giảm chi phí logistics để tiếp cận thị trường tiềm năng như Ghana, Bờ Biển Ngà, UAE.

Đối với rau quả, xuất khẩu sang Trung Quốc đang chững lại với các mặt hàng chủ lực như sầu riêng, thanh long, chuối, mít. Tuy nhiên, dừa tươi lại nổi lên là sản phẩm nhiều triển vọng với tăng trưởng hơn 70% năm 2024. Mỹ vẫn là thị trường tiềm năng nhờ thuế suất thấp cho xoài, bưởi, chanh dây, dừa tươi...

Còn với cà phê, Bộ khuyến cáo doanh nghiệp không chỉ tập trung vào Mỹ mà cần tăng cường xuất khẩu sang Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Philippines, tận dụng lợi thế của cà phê Robusta Việt Nam.

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với bối cảnh mới, Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ: Rà soát lại kế hoạch xúc tiến thương mại để tập trung nguồn lực vào các ngành hàng có dư địa tăng trưởng; Cùng Bộ Công Thương điều chỉnh chương trình xúc tiến thương mại cấp quốc gia; Chỉ đạo thương vụ tại nước ngoài cập nhật chính sách mới.

Kiến nghị Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung chính sách thuế, phí, bảo hiểm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; Phối hợp Bộ Ngoại giao nắm bắt thị hiếu và rào cản kỹ thuật tại các thị trường nhập khẩu.

Đặc biệt, các Cục chuyên môn như Trồng trọt, Chăn nuôi, Lâm nghiệp, Thủy sản… sẽ chủ trì theo dõi sản xuất, giá cả, cung cầu; xây dựng vùng trồng, vùng nuôi đủ điều kiện cấp mã số, chỉ dẫn địa lý và đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật của thị trường xuất khẩu.

Ngoài ra, các hiệp hội ngành hàng được đề nghị chủ động hơn trong đàm phán chia sẻ gánh nặng thuế, kết nối đối tác quốc tế, và kiến nghị kịp thời vướng mắc trong sản xuất – xuất khẩu.