Bộ Tài chính đang lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế. Một trong những nội dung chính là đề xuất các sửa đổi, bổ sung liên quan đến trả cổ tức, trả thưởng bằng chứng khoán.

Cụ thể, Bộ Tài chính đề xuất thuế thu nhập cá nhân phải được khấu trừ, kê khai và nộp ngay tại thời điểm nhận cổ tức, thưởng bằng chứng khoán, thay vì đợi đến khi bán chứng khoán. Tổ chức phát hành có trách nhiệm khấu trừ, nộp thay thuế cho cá nhân.

Theo lý giải của Bộ Tài chính, thực tế, cổ tức, lợi tức đang được chi trả bằng nhiều hình thức như bằng tiền mặt, chứng khoán, hoặc ghi tăng vốn góp. Trong đó, cổ tức bằng tiền mặt được tổ chức chi trả khấu trừ, kê khai nộp thuế cho cá nhân và đã áp dụng hiệu quả, thông suốt trong thời gian qua. Còn đối với cổ tức, thưởng bằng chứng khoán, cá nhân chỉ phải nộp thuế khi bán, chuyển nhượng cổ phiếu đó, không phải thực hiện ngay thời điểm nhận cổ tức.

Bộ Tài chính cho rằng quy định này gây ra nhiều bất cập. Bởi nhiều cá nhân nhận cổ tức, thưởng bằng chứng khoán không có nhu cầu chuyển nhượng cổ phiếu hoặc vốn trong thời gian dài, dẫn đến việc không kê khai, nộp thuế ngay tại thời điểm có thu nhập.

"Điều này gây ra hệ lụy là tài sản và thu nhập của các cá nhân, đặc biệt là cổ đông lớn, chiến lược như ban giám đốc, ban kiểm soát tăng lên nhưng chưa bị đánh thuế kịp thời", Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Hơn nữa, việc hoãn thời điểm kê khai, nộp thuế cho đến khi chuyển nhượng có thể gây tình trạng "đóng thuế trễ" với khoản thu nhập thực tế đã tăng. Đồng thời, quy định này cũng gây khó khăn cho cơ quan thuế trong việc phải tiếp tục theo dõi, kiểm soát và thu thuế thu nhập cá nhân trong thời gian dài.

Bộ Tài chính đề xuất nộp thuế ngay khi nhận cổ tức bằng cổ phiếu
Bộ Tài chính đề xuất nộp thuế ngay khi nhận cổ tức bằng chứng khoán

Minh chứng cụ thể cho điều này, Bộ Tài chính dẫn số liệu trong giai đoạn từ năm 2016 đến hết 2024, cá nhân nhận cổ tức bằng chứng khoán và cá nhân là cổ đông hiện hữu nhận thưởng bằng chứng khoán đã nhận tổng cộng 34,84 tỷ cổ phiếu. Nếu số lượng cổ phiếu này được chuyển nhượng toàn bộ và giá cổ phiếu tính theo mệnh giá (10.000 đồng), với thuế suất 5%, thì số thuế thu nhập cá nhân tạm ước phải kê khai, nộp vào khoảng 17.420 tỷ đồng.

Tuy nhiên, số thuế thu nhập cá nhân thực tế của cá nhân nhận cổ tức bằng chứng khoán và cổ đông hiện hữu nhận thưởng bằng chứng khoán đã kê khai trong giai đoạn trên chỉ khoảng 1.318 tỷ đồng. Như vậy, số thuế thu nhập cá nhân từ cổ tức, thưởng bằng chứng khoán đã kê khai thực tế chỉ chiếm 8% số ước tính (nếu toàn bộ số cổ phiếu này được chuyển nhượng).

Cũng trong giai đoạn này, tổng số thuế thu nhập cá nhân đã kê khai từ hoạt động đầu tư vốn đạt 51.965 tỷ đồng, trong đó thuế thu từ cổ tức và thưởng trả bằng chứng khoán chỉ khoảng 1.318 tỷ đồng, chiếm 2,54%.

Ngoài ra, Bộ cũng tham khảo kinh nghiệm quốc tế cho thấy một số nước như Thái Lan, Ấn Độ cũng quy định thời điểm tính thuế là lúc chi trả cổ tức và tổ chức phát hành phải khấu trừ thuế theo thuế suất quy định. Cụ thể, Thái Lan đang áp dụng thuế suất 10%, Ấn Độ áp 10% với phần thu nhập vượt quá 5.000 Rupee.

Đề xuất này của Bộ Tài chính đang khiến nhiều nhà đầu tư trên thị trường tài chính lo lắng, bởi bản chất của việc nhận cổ tức bằng cổ phiếu là nhà đầu tư chưa thực sự thu được dòng tiền mặt thực tế.

Tuy nhiên theo dự thảo đề xuất, nhà đầu tư đã phải đóng thuế ngay khi nhận cổ tức, tức chưa cầm tiền đã phải lo nộp thuế. Hơn nữa, giá cổ phiếu trên thị trường hoàn toàn có thể giảm, dẫn đến khả năng thua lỗ nếu bán ra. Thậm chí việc đánh thuế lên một khoản thu nhập mà người nhận chưa có dòng tiền thật sẽ dễ tạo áp lực bán tháo trên thị trường, đặc biệt với nhà đầu tư nhỏ lẻ.