Đồng USD chứng kiến đợt trượt giá mạnh nhất trong hơn 5 thập kỷ
Trong nhiều thập kỷ, đồng USD đã duy trì vị thế là đồng tiền “thống trị thế giới” và luôn được coi là xương sống trong các giao dịch thanh toán toàn cầu cũng như trong dự trữ ngoại hối. Tuy nhiên, thực tế thời gian gần đây cho thấy sự thống trị của đồng bạc xanh đang dần bị lung lay.
Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 6, chỉ số Dollar Index (DXY), thước đo đo lường sức mạnh của đồng USD với 6 đồng tiền chủ chốt khác (bao gồm euro, bảng Anh, yên Nhật, franc Thuỵ Sỹ, dollar Canada và krona Thuỵ Điển) đã giảm về mức 96,7 điểm, duy trì ở vùng thấp nhất 3 năm. Đây cũng là phiên giảm điểm thứ sáu liên tiếp của chỉ số này, đánh dấu chuỗi giảm dài nhất kể từ tháng 7 năm ngoái.
![]() |
Diễn biến chỉ số Dollar Index (DXY) - Nguồn: Tradingview.com |
Như vậy, chỉ trong vòng nửa đầu năm, chỉ số này đã suy yếu từ mức đỉnh hơn hai năm là vùng 109 điểm xuống mức đáy 3 năm 96,7 điểm - tức đánh mất hơn 11% giá trị. Đây là mức giảm lớn nhất trong nửa đầu năm kể từ khi kỷ nguyên tiền tệ thả nổi bắt đầu vào đầu những năm 1970, đây cũng là thời điểm đánh dấu sự kết thúc của Hệ thống Bretton Woods liên quan đến vàng thỏi. Vào giai đoạn này, đồng USD đã chứng kiến sự sụt giảm lên tới 15%, mức giảm sâu nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009.
Kể từ khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức vào đầu năm nay, dường như đồng USD đang trở thành một trong những nạn nhân chính của các chính sách kinh tế và thương mại khó đoán của ông. Chính những sự bất định này đã khiến giới đầu tư toàn cầu phải cân nhắc lại mức độ tiếp xúc với đồng tiền luôn được coi là đồng tiền “thống trị thế giới”, qua đó khiến đồng tiền này mất dần đi sức hấp dẫn vốn có.
Bên cạnh đó, nhu cầu vay nợ khổng lồ của Mỹ cùng những lo ngại về tính độc lập của Cục Dự trữ Liên bang (FED) cũng đang làm xói mòn sức hấp dẫn của USD như một nơi trú ẩn an toàn.
Giới phân tích trên thị trường tài chính đã ước tính dự luật cắt giảm thuế và chi tiêu của chính quyền Trump 2.0 sẽ khiến khoản nợ khổng lồ trị giá 36.200 tỷ USD của Chính phủ Mỹ sẽ tiếp tục tăng thêm hàng nghìn tỷ USD. Lo ngại khối nợ ngày càng phình to đã làm dấy lên lo ngại về tính bền vững của ngân sách liên bang và kích hoạt làn sóng bán tháo trái phiếu kho bạc Mỹ trong thời gian gần đây.
![]() |
Tăng trưởng GDP của Mỹ - Nguồn: Tác giả tổng hợp |
Đáng lo ngại hơn, các chính sách thuế quan của Tổng thống Trump đang phủ bóng lên triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Trong một báo cáo công bố mới đây, ngân hàng đầu tư JPMorgan Chase đã cảnh báo rằng kế hoạch áp thuế của Tổng thống Trump sẽ khiến tăng trưởng kinh tế Mỹ chậm lại đáng kể và lạm phát có nguy cơ tăng tốc trở lại. Sức ép kép này có thể khiến nền kinh tế Mỹ rơi vào nguy cơ suy thoái, với xác suất lên tới 40%.
Tương tự, ngân hàng Goldman Sachs mới đây cũng tăng dự báo khả năng Mỹ rơi vào suy thoái lên 40%, từ 35% trong báo cáo trước đó. Ngoài ra, Goldman Sachs còn hạ triển vọng tăng trưởng kinh tế của Mỹ trong năm 2025 từ 1,5% xuống còn mức khiêm tốn 1,3%. Chính những lo ngại về triển vọng kém lạc quan của nền kinh tế Mỹ cũng là lý do làm tăng nguy cơ suy yếu của đồng USD.
Vị thế đồng dollar Mỹ đang dần lung lay?
Trái ngược với sự trượt giá mạnh của đồng bạc xanh, đồng euro, từng được nhiều ngân hàng Phố Wall dự đoán sẽ rơi xuống ngang giá với USD, đã tăng tới 13% trong nửa đầu năm nay, vượt ngưỡng 1,17 USD khi nhà đầu tư lo ngại về triển vọng tăng trưởng kinh tế Mỹ và chuyển sang tìm kiếm tài sản an toàn tại châu Âu, điển hình như trái phiếu chính phủ Đức.
Bên cạnh đó, đồng yên Nhật Bản cũng tăng gần 8% và đồng franc Thụy Sĩ tăng 13,5%. Những điều này đã tạo cơ hội cho các thị trường mới nổi tỏa sáng.
Ở khu vực Đông Âu, đồng zloty của Ba Lan, đồng crown của Séc và đồng forint của Hungary đều tăng giá từ 13-17%. Đồng đô la Đài Loan tăng 8% chỉ trong hai ngày vào tháng trước và thậm chí đồng peso của Mexico và nợ bằng nội tệ của thị trường mới nổi cũng đang tăng trưởng hai chữ số trong năm nay, bất chấp mọi chấn thương do chiến tranh thương mại.
Đáng chú ý, Trung Quốc gần đây đã bày tỏ mong muốn viết lại trật tự tiền tệ toàn cầu với đồng Nhân dân tệ - đồng nội tệ của nước này - đánh dấu tham vọng của cường quốc kinh tế lớn thứ hai thế giới nhằm đẩy nhanh xu hướng “phi đô la hóa”.
![]() |
Vị thế đồng USD đang dần lung lay - Ảnh: Internet |
Cụ thể, tại Diễn đàn Tài chính Lujiazui 2025 diễn ra ở Thượng Hải mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) Pan Gongsheng đã đưa ra một tuyên bố đáng chú ý về định hướng tài chính toàn cầu. Ông kỳ vọng một trật tự tiền tệ quốc tế đa cực sẽ hình thành, trong đó đồng Nhân dân tệ có thể cạnh tranh trực tiếp với đồng USD.
Theo ông Pan Gongsheng, đồng USD đã xây dựng được vị thế thống trị và duy trì ảnh hưởng áp đảo suốt nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế và địa chính trị toàn cầu đang biến đổi, việc phụ thuộc quá mức vào một đồng tiền duy nhất như USD ngày càng bộc lộ những rủi ro hệ thống.
Thống đốc PBOC khẳng định trong tương lai, hệ thống tiền tệ quốc tế có thể phát triển theo hướng mà nhiều đồng tiền có chủ quyền cùng tồn tại, cạnh tranh và kiểm soát lẫn nhau.
Trước đây, hai sự kiện then chốt đã định hình lại trật tự tiền tệ toàn cầu trong hai thập niên qua là sự ra đời của đồng euro và sự nổi lên của Nhân dân tệ từ sau khủng hoảng tài chính năm 2008. Đến nay nay, đồng Nhân dân tệ đã trở thành đồng tiền tài trợ thương mại lớn thứ hai thế giới (sau USD) và là đồng tiền thanh toán quốc tế lớn thứ ba (sau USD và euro).
Bên cạnh đó, không chỉ Trung Quốc, châu Âu cũng bày tỏ tham vọng tương tự. Bà Christine Lagarde, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), cũng cho rằng vai trò thống trị của đồng USD hiện không còn chắc chắn như trước. Bà Christine bình luận đây là thời điểm để đồng euro vươn lên giữ vai trò toàn cầu rõ nét hơn.
Sự đồng điệu trong quan điểm giữa hai nhà lãnh đạo ngân hàng Trung ương lớn cho thấy thế giới đang bước vào giai đoạn sắp xếp lại trật tự hệ thống tiền tệ toàn cầu.