Ông Jens Lottner – CEO Techcombank là người mở đầu câu chuyện về bức tranh kinh doanh của TCB trong năm 2023. Theo đó, năm 2023 là một năm không dễ dàng với Techcombank nhưng Ngân hàng vẫn đạt được một số thành tựu đáng ghi nhận, bao gồm những điểm chính như CASA, Thu nhập phí thuần, các chỉ số khác ROA, ROE duy trì lành mạnh.

Năm 2023, tiền gửi không kỳ hạn của Techcombank đã tăng hơn 30%, đặc biệt nửa sau năm 2023 và hiện nay tỷ lệ CASA gần 40% là một trong những ngân hàng dẫn đầu. CASA dồi dào cho phép Techcombank huy động vốn với mức phí ưu đãi, tạo điều kiện cho vay thuận lợi.

Techcombank là ngân hàng dẫn đầu về cho vay bất động sản, trái phiếu và những mảng này đều hồi phục trong năm qua. Nợ xấu Techcombank chỉ 1,2%, chi phí tín dụng là 0,8%, tỷ lệ dự phòng bao phủ nợ xấu luôn trên 100%.

Techcombank có danh mục cho vay BĐS khá nhiều, nhưng theo ông Lottner, do có lựa chọn đúng đắn về khách hàng, phân khúc nào, cho vay bao nhiêu, từ đó giúp TCB quản trị hiệu quả. Các chỉ số an toàn hoạt động đều đảm bảo như CAR, LDR, vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn,…đều đáp ứng tốt yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước.

Chủ tịch Hồ Hùng Anh, trong đoạn phát biểu sau đã nhấn mạnh về khả năng quản trị rủi ro của TCB năm qua khi đã "không để bất cứ trái phiếu nào quá hạn về lãi và gốc, làm tốt đảm bảo an toàn cho khách hàng của mình".

Đồng thời, việc đầu tư mạnh và dẫn đầu vào công nghệ, data đã giúp TCB giảm chi phí vận hành, chi phí trên một khách hàng giúp TCB có cơ hội mở rộng những cơ hội kinh doanh phát triển mạnh phân khúc DN SME, cá nhân tiêu dùng,...

CEO Techcombank: Người Việt Nam đang ngày càng giàu hơn, chúng tôi sẽ đón đầu mảng quản lý gia sản

Ban điều hành Techcombank đề xuất mức lợi nhuận năm 2024 là 27.100 tỷ đồng và tự tin mục tiêu này có thể đạt được. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 1,5%. Hiện nay tỷ lệ này là 1,2% và ngân hàng đã hoàn toàn đạt được mục tiêu này, cũng là mức rất lành mạnh so với các đối thủ.

CEO Techcombank chia sẻ: “Chúng tôi tin rằng tốc độ tăng trưởng GDP 6% thì Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được. Việt Nam có dân số trẻ, sử dụng nhiều công nghệ và ngày càng giàu lên. Khi quốc gia giàu có hơn thì họ sẽ sử dụng ngân hàng nhiều hơn. Chúng ta dễ dàng thấy được sự thay đổi ở những thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM. Đến năm 2030, mức sống của người dân Việt Nam sẽ còn cao hơn Malaysia, Indonesia,…và họ cần đến dịch vụ quản lý gia sản tốt hơn. Đó là lý do Techcombank đón đầu phân khúc giàu có, sẽ đẩy mạnh mảng quản lý gia sản cùng với TCBS”.

Năm 2024, Techcombank lên kế hoạch tăng trưởng tín dụng 16,2% (trong hạn mức được Ngân hàng Nhà nước cấp phép); tổng dư nợ tín dụng khoảng 616 nghìn tỷ đồng; tăng trưởng huy động vốn phù hợp với tốc độ tăng trưởng tín dụng thực tế; Lợi nhuận năm 2024 dự kiến tăng trưởng 18,4% lên 27.100 tỷ đồng.

CEO Techcombank: Người Việt Nam đang ngày càng giàu hơn, chúng tôi sẽ đón đầu mảng quản lý gia sản

Trước đó, năm 2023, lợi nhuận trước thuế hợp nhất Techcombank đạt gần 22.900 tỷ đồng, vượt kế hoạch đề ra tại ĐHĐCĐ (22.000 tỷ đồng). Tín dụng tăng 19,2% lên 530.148 tỷ đồng. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo Thông tư 41 được duy trì cao ở mức 14,4%, cao hơn nhiều so với yêu cầu tối thiểu 8%.