10 - 15 năm trở lại đây, mỗi khi doanh nghiệp gặp độ khó khăn, lâm cơn bĩ cực và cổ phiếu trên sàn chứng khoán lao dốc, câu chuyện lãnh đạo doanh nghiệp thay vì gặp gỡ trực tiếp nhà đầu tư (cổ đông) đã chọn giải pháp viết "tâm thư" - những bức "tâm thư" kể khổ, kể buồn, kể khó khăn bức bách,...

Với tâm thế là một cổ đông trên chứng trường, tôi thấy nực cười nhiều hơn là một sự đồng cảm chân thành nào đó. Dẫu biết doanh nghiệp đang gặp khó, nhà đầu tư cũng cần cảm thông và "thương" lấy doanh nghiệp. Nhưng... "Ai thương lại anh em cổ đông?". Nói như phát biểu của Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (Mã DGC) - Đào Hữu Huyền tại ĐHCĐ thường niên 2023 vừa kết thúc ngày 29/3/2023: "Chúng tôi không đi giải quyết nỗi buồn của cổ đông!" thì quả thật cổ đông chỉ có thể tự đồng cảm với chính mình.

Trở lại câu chuyện của những dòng "tâm thư": Tại sao không phải những bức "tâm thư" được viết ra khi khó khăn bắt đầu xảy đến mà lại là những tâm thư "đẫm đượi" và thừa thãi cảm xúc khi mọi thứ đã vỡ lẽ, doanh nghiệp đã bị "đánh gục" còn cổ đông thì đã "thủng" túi tiền?

Đầu tư cổ phiếu theo

Ai thương ai sau những bức "tâm thư" muộn màng ấy?

Ai vá lại những danh mục "dỗ" như tổ ong của nhà đầu tư, những danh mục đã hoặc đang âm cả chục phần trăm chỉ sau vài phiên ngắn ngủi?

Thừa nhận rằng ngày nay có rất nhiều trường phái đầu tư/đầu cơ chứng khoán nhưng trong câu chuyện này, tôi muốn nói về một trường phái đầu tư mới (tạm gọi thế) - TRƯỜNG PHÁI ĐẦU TƯ THEO "TÂM THƯ".

Là một người "tác chiến" gần 20 năm trên thị trường chứng khoán trong đó có 10 năm là một Trader, tôi nhận ra rằng, phía sau mỗi "tâm thư" được lãnh đạo doanh nghiệp phát đi đều là NƯỚC MẮT (không dài thì ngắn). Nói như vậy là nói đa phần giá cổ phiếu doanh nghiệp đều lao dốc không phanh khi những thông điệp từ "tâm thư" được lan tỏa.

Vì sao vậy?

Vì doanh nghiệp/cổ phiếu doanh nghiệp cũng như một con người - những tế bào trong xã hội; chỉ khi cận kề hiểm nguy, cận kề những khoảnh khắc thì những bức "tâm thư", những lời trăng trối mới được cất lên, thều thào và yếu ớt. Nói như vậy để thấy, thay vì nói cổ phiếu của chúng ta đang ở một vị thế rủi ro, đa phần nội dung các bức tâm thư đều thiên về trạng thái an ủi, động viên cổ đông hãy kiên trì nắm giữ, cùng công ty vươt qua khó khăn. Điều này khác hẳn với những lúc cổ phiếu của doanh nghiệp tăng giá mạnh, không một bức "tâm thư" kể chuyện vì sao cổ phiếu tăng, nhà đầu tư nên giữ hay nên bán?

Cần nhấn mạnh rằng, dù không phải mọi trường hợp cổ phiếu đều đi xuống khi lãnh đạo viết "tâm thư" nhưng đa phần trong những trường hợp ấy, cuộc chơi của cổ đông sẽ là "nước mắt".

Gần 8 năm về trước (cuối tháng 8/2015), ông Lê quốc Bình - Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. HCM (Mã CII - HOSE) - hiện vẫn đương chức - từng đăng ký bán 8,5 triệu cổ phiếu CII sau khi đã bán thành công hơn 12,5 triệu cổ phiếu trước đó nhằm giải quyết nhu cầu tài chính cá nhân.

Tuy nhiên, việc liên tiếp thoái vốn và sẽ không còn nắm giữ cổ phần nào của công ty nếu giao dịch thành công khiến vị lãnh đạo CII phải đối diện với hàng loạt sự lên án, oán trách, phê phán từ cộng đồng nhà đầu tư, cổ đông, bạn bè, đồng nghiệp và đối tác.

Ngay sau đó ít ngày, trên trang mạng xã hội của chính doanh nghiệp, một bức "tâm thư" ký tên ông Lê Quốc Bình đã được đăng tải với nhiều chia sẻ của vị lãnh đạo.

Đầu tư cổ phiếu theo
Lê Quốc Bình - Tổng Giám đốc CII hiện đang nắm hơn 6 triệu cổ phiếu CII, 500.000 cổ phiếu CÊ và 10.000 cổ phiếu SII

Mở đầu thư, vị Tổng Giám đốc này cho hay, bản thân ý thức được việc lời lẽ cay nghiệt sẽ đến sau khi thông báo bán cổ phiếu và dự tính im lặng để một mình đón nhận, chờ đợi đến một ngày nào đó cổ đông sẽ hiểu và nhìn nhận chính xác hơn về câu đăng ký bán cổ phiếu CII.

Tuy nhiên, ông Bình cho biết đã rất đau lòng khi có người phát biểu với đại ý rằng hành động của ông không chỉ làm nhà đầu tư thua lỗ mà còn đẩy cả gia đình họ vào ngõ cụt.

"Tôi đã khóc khi đọc những tâm sự này và đó cũng là động lực để tôi viết lên những dòng chữ này gửi đến quý cổ đông. Tôi cũng xin cám ơn quý cổ đông đã nói lên tiếng nói này để tôi có thể hiểu được cảm giác của cổ đông trong các ngày gần đây", một đoạn tâm thư chép lại.

"Hơn 3 năm nay, tôi chưa từng có một giấc ngủ ngon... "Vậy tôi đang nỗ lực vì cái gì. Vì tiền ư?... Vì quyền lực ư?... Tôi dám chắc rằng chưa cổ đông nào thấy tôi bước vào một nhà hàng 5 sao; chiếc xe tôi đang sử dụng vẫn là chiếc Camry đời 2006; Khách sạn tôi ở mỗi lần đi công tác cũng chỉ vài trăm ngàn đồng một ngày…".

Đó chỉ là một trong số ít nhưng "lời gan ruột" từ câu chuyện làm nghề được vị Tổng Giám đốc CII kể lại.

Và... sau bức "tâm thư" ấy, cổ phiếu CII rớt ngay 15%.

Bên cạnh một số ý kiến đồng cảm cho vị lãnh đạo, một nhà đầu tư đã thẳng thắn bày tỏ nỗi lòng: "Vậy là ông và các cổ đông đều có nỗi khổ tâm. Nhưng các cổ đông thì dốc ruột ra rồi, còn ông chỉ dùng tình cảm để mong sự thông cảm. Tuy nhiên cái người ra thực sự cần là lí giải nguyên nhân ông bán hết cổ phiếu. Làm ăn mà đặt niềm tin lên trên cả sự tính toán logic thì sống sao nổi".

Về cơ bản, thông điệp từ "tâm thư" 8 năm về trước của vị lãnh đạo CII cũng chính là thông điệp chung của hàng chục bức "tâm thư" khác được lãnh đạo các doanh nghiệp phát đi trong những năm trở lại đây.

Văn hóa viết "tâm thư" ra đời và hiện đã nở rộ. Dễ thấy thời gian qua, nhà đầu tư ít nhiều bắt gặp đâu đó trên các phương tiện truyền thông những bức "tâm thư" của Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (Mã HBC) - Lê Viết Hải ngay giữa lúc cuộc tranh chấp ghế quyền lực đang diễn ra căng thẳng; tâm thư xin lỗi cổ đông của cựu Chủ tịch HĐQT Novaland (Mã NVL) - Bùi Xuân Huy; "tâm thư" của ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch Tập đoàn HAGL (Mã HAG) hồi giữa tháng 11/2022 khi cổ phiếu HAG giảm sâu; "tâm thư" của tỷ phú Trần Đình Long tại báo cáo thường niên 2022 vừa công bố của Tập đoàn Hòa Phát (Mã HPG); "tâm thư" của Chủ tịch HĐQT DIC Corp - Nguyễn Thiện Tuấn - trước làn sóng bán giải chấp cổ phiếu những như lùm xùm xoay quanh câu chuyện cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp nhà cuối tháng 2 vừa qua hay như "tâm thư" của Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (Mã DGC) - Đào Hữu Huyền - sau chuỗi 5 phiên giảm sàn hồi giữa tháng 11/2022;...

Đầu tư cổ phiếu theo
Không ít cổ đông "đu đỉnh" cổ phiếu DIG vùng giá 120.000 đồng (trước khi chia tách) bằng margin hiện vẫn chưa thể "về mặt đất"

Và... như một cặp mệnh đề điều kiện - kết quả, giá cổ phiếu DGC, NVL, PDR, HAG, DIG,... đều đã điều chỉnh mạnh; ĐƯỢC MÙA TÂM THƯ THÌ MẤT MÙA ĐẦU TƯ. Lúc này, những cổ đông vô tình "đu đỉnh" DIG vùng 12x.000 đồng; DGC giá 14x.000 đồng; PDR vùng 7x.000 hay NVL vùng giá 8x.000 có chăng chỉ còn biết than vãn "tại sao không thấy các vị (chủ tịch) viết gì khi cổ phiếu lập đỉnh?".

Tại ĐHCĐ thường niên 2023 của Tập đoàn Hoá chất Đức Giang vừa diễn ra sáng 29/3/2023, một cổ đông cho biết đã mua cổ phiếu DGC tại mức giá 140.000 đồng với đòn bẩy margin và đang còn giữ (cổ phiếu DGC chỉ còn chưa đầy 52.000 đồng). Theo đó, cổ đông này đề xuất ban lãnh đạo doanh nghiệp đầu tư, mua thêm cổ phiếu DGC để cổ đông yên tâm nắm giữ.

Đầu tư cổ phiếu theo
Ông Đào Hữu Huyền - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hóa chất Đức Giang

Trả lời ý kiến này, ông Đào Hữu Huyền, Chủ tịch HĐQT cho biết: “Việc chúng tôi làm được là đảm bảo sản xuất kinh doanh và đảm bảo cuộc sống cán bộ nhân viên. Chúng tôi không can thiệp vào giao dịch của các nhóm nhà đầu tư và không đi giải quyết nỗi buồn của cổ đông... Còn về việc mua vào cổ phiếu, hiện tại tôi cũng đang lỗ. Một mình tôi không thể chống lại thị trường", ông Huyền nhấn mạnh.

Đầu tư cổ phiếu theo
Diễn biến giá cổ phiếu NVL (Xanh) và PDR (Vàng)

Dưới góc độ một lăng kính rộng, xét về dài hạn, mọi cổ phiếu dù xấu hay đẹp rồi cũng sẽ đi lên sau khi "vẽ xong" các vùng giá đáy lớn/nhỏ. Tuy nhiên trong ngắn hạn, phía sau mỗi bức "tâm thư" được phát đi sẽ là những dấu hiệu chẳng tốt đẹp gì cho giá cổ phiếu. Với trường phái đầu tư theo cảm tính, "tâm thư" không phải là một chỉ báo đầu tư nhưng lại chính là lời “cảnh báo” đối với các cổ đông trong giao dịch ngắn hạn.

Chuyên gia Nguyễn Đức Nhân (Tony Bobo)