Phát biểu tại Hội nghị, PGS.TS Hà Minh Hồng – Hội Khoa học lịch sử TP.HCM, hiện có tên đường cùng xuất hiện ở 2 hoặc nhiều phường xã, cá biệt có trường hợp một tên gọi đặt cho 5 tuyến đường khác nhau.
Ông Hồng chỉ ra 3 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trùng tên đường. Cụ thể, thứ nhất là do yếu tố lịch sử để lại (hoạt động sáp nhập TP.HCM từ 3 tỉnh, thành vào năm 2025 có nét tương đồng với việc sáp nhập thành phố Sài Gòn với tỉnh Gia Định năm 1975).
Thứ hai, dấu ấn lịch sử - văn hóa, tên đường thường gắn với tên danh nhân, địa danh, sự kiện nổi tiếng nên dễ trùng lặp. Thứ ba, tự phát (giai đoạn sau năm 1975 đến trước năm 1995, khi chưa có quy định cụ thể về thẩm quyền, nhiều quận huyện đã tự phát đặt tên cho các tuyến đường mới).
Từ tình hình thực tế trên, các đại biểu tham dự đã đề xuất nhiều giải pháp điều chỉnh như: giữ tên cũ và bổ sung thêm thông tin địa lý (phường/xã); xem xét loại bỏ những tên ít ý nghĩa để thay thế bằng những tên sự kiện, địa danh, nhân vật tiêu biểu...
![]() |
PGS.TS Hà Minh Hồng – Hội Khoa học lịch sử TP.HCM - Ảnh: Trung tâm báo chí TP.HCM |
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Minh Nhựt, Phó Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội HĐND TP.HCM cho biết, về nguyên tắc, việc đổi tên cần căn cứ vào yếu tố lịch sử, văn hóa, hạn chế thay đổi tên đường lâu đời và tôn trọng nguyện vọng của cộng đồng.
Ngoài ra, khi thực sự cần thiết phải đổi tên đường, cần có lộ trình cụ thể, phương án hỗ trợ thay đổi giấy tờ và đảm bảo đồng bộ hệ thống quản lý đô thị, không gây xáo trộn đời sống người dân.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nhựt đề nghị sớm xây dựng, trình quy chế mới về đặt tên, đổi tên đường và công trình công cộng.
Cùng với đó, công tác đặt, đổi tên đường không chỉ là công việc hành chính nhằm quản lý đô thị mà còn góp phần tạo nên bản sắc văn hóa của từng địa phương. Vì vậy, các phương án điều chỉnh cần lấy sự đồng thuận của nhân dân làm trung tâm, lấy lợi ích của cộng đồng làm nền tảng, lấy sự phối hợp chặt chẽ cùng trình tự thủ tục pháp luật, đảm bảo hài hòa giữa tính khoa học và thực tiễn trên cơ sở quan điểm lịch sử cụ thể là trọng yếu và thường xuyên.
Bên cạnh đó, theo báo VnExpress, ông Hồng đề xuất nên lập tổ công tác khảo sát số lượng tuyến đường trùng tên theo ba bước:
Bước 1: Tổng hợp dữ liệu tên đường từ Sở Xây dựng ba khu vực TP.HCM, Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu (cũ).
Bước 2: Lập danh mục toàn bộ tên đường, phân tích trùng lặp bằng phần mềm quản lý hệ thống GIS.
Bước 3: Phân loại theo khu vực, phường/xã, mục đích đặt tên ban đầu, thời điểm đặt tên.
Sau đó, thành phố thực hiện đổi tên đường trùng lặp một cách đồng bộ, khoa học dựa trên ngân hàng tên đường. Ông Hồng chia sẻ: “Có thể đặt tên đường bổ sung như Nguyễn Văn Linh - Khu Đông, Nguyễn Văn Linh - Khu Tây hoặc thêm số sau tên bị trùng để phân biệt tạo thuận lợi cho người dân”.