Trung Quốc hôm 21/7 khởi công dự án đập thủy điện lớn nhất thế giới trên sông Yarlung Zangbo, với tổng vốn đầu tư lên tới 170 tỷ USD. Đây là siêu đập lớn nhất thế giới, tọa lạc ở rìa phía Đông của Cao nguyên Tây Tạng, là một phần trong chiến lược lớn của Trung Quốc nhằm mở rộng năng lượng tái tạo và giảm lượng khí thải carbon, hướng tới các mục tiêu về đạt đỉnh phát thải và trung hòa carbon.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường gọi đây là “dự án của thế kỷ”, đồng thời nhấn mạnh công trình phải “đặt ưu tiên đặc biệt cho bảo tồn sinh thái để ngăn chặn thiệt hại môi trường” - theo Tân Hoa Xã.

'Dự án của thế kỷ' 170 tỷ USD, lớn gấp 3 lần đập Tam Hiệp hứa hẹn tiêu thụ lượng thép khổng lồ
Sông Yarlung Zangbo ở Tây Tạng, nơi con đập mới sẽ được xây dựng

Con đập được thiết kế gồm 5 nhà máy thủy điện bậc thang, với sản lượng điện hàng năm lên tới 300 tỷ kWh, gấp 3 lần đập Tam Hiệp và tương đương tổng mức tiêu thụ điện của Vương quốc Anh trong năm qua. Công trình sẽ nằm tại hạ lưu sông Yarlung Zangbo - nơi đoạn sông đổ dốc hơn 2.000m trong phạm vi 50km, tạo ra tiềm năng thủy điện khổng lồ. Quy mô công trình cùng vị trí địa lý nhạy cảm khiến nhiều bên lo ngại về tác động tiềm tàng đến hàng triệu người sống ở hạ nguồn, tại Ấn Độ và Bangladesh. Dự kiến, con đập sẽ bắt đầu vận hành vào khoảng những năm 2030.

Cập nhật sáng sớm 23/7, giá chốt phiên giao dịch ngày 22/7 ghi nhận thép thanh kỳ hạn tháng 10 trên sàn Thượng Hải tăng 1,78%, lên mức 3.264 nhân dân tệ/tấn. Trên sàn Đại Liên, giá quặng sắt giao tháng 9 cũng tăng nhẹ 0,28%, đạt 98,11 USD/tấn. Tính trong vòng một tháng qua, giá quặng sắt đã tăng 3,55%.

'Dự án của thế kỷ' 170 tỷ USD, lớn gấp 3 lần đập Tam Hiệp hứa hẹn tiêu thụ lượng thép khổng lồ
Công trình công suất gấp 3 lần đập Tam Hiệp dự kiến tiêu thụ lượng thép khổng lồ

Theo các nhà phân tích của ANZ, giá quặng sắt kỳ hạn tiếp tục xu hướng tăng trong bối cảnh kỳ vọng Bắc Kinh sẽ triển khai thêm các gói kích thích tài khóa. Dự án thủy điện khổng lồ trị giá 170 tỷ USD được cho là sẽ tạo động lực tăng trưởng cho ngành thép.

Đơn vị phân tích này cho biết thêm, động thái trên làm dấy lên hy vọng rằng chính phủ Trung Quốc có thể quay lại các chiến lược kích cầu truyền thống, trong bối cảnh nước này đang nỗ lực kiểm soát cạnh tranh quá mức và xử lý tình trạng dư thừa công suất trong ngành thép.

Đây chính là nguyên nhân khiến các doanh nghiệp thép nước này tìm mọi cách để xuất khẩu, thậm chí duy trì mức giá thấp nhằm đảm bảo dòng tiền.