Rau mồng tơi từ lâu đã trở thành loại rau quen thuộc trong mâm cơm người Việt. Với vị thanh mát, dễ chế biến, giá chỉ từ vài nghìn đến hơn chục nghìn đồng/mớ (tùy thời điểm), ít ai ngờ loại rau dân dã này lại được giới chuyên gia dinh dưỡng đánh giá là “vàng xanh mùa hè”, nhờ vào hàm lượng dinh dưỡng cao và nhiều công dụng tốt cho sức khỏe.
![]() |
Rau mồng tơi rất quen thuộc với người dân Việt |
Dinh dưỡng dồi dào, tốt cho tiêu hóa và tim mạch
VietNamNet dẫn lời bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Trần Như Thủy (Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM – cơ sở 3), trong các loại rau mùa hè, mồng tơi được xem như “vàng xanh mùa hè” tốt cho sức khỏe, chứa hàm lượng dinh dưỡng khá cao. Một số chất trong rau mồng tơi thậm chí có hàm lượng dinh dưỡng vượt trội.
Theo Đông y, mồng tơi có vị chua, tính hàn, không độc, giúp hoạt thai, hoạt tràng, thông đại tiểu tiện.
Theo y học hiện đại, trong rau mồng tơi có các chất như: Vitamin C, A, PP, B1, B2; pectin; saponin; polysaccharide; tinh bột; chất đạm và béo; canxi; sắt; nước và folate rất tốt cho cơ thể, giàu dinh dưỡng.
Chất nhầy pectin trong mồng tơi có tác dụng hấp thụ cholesterol, khóa màng bấm ở thành ruột. Từ đó, cholesterol không ngấm vào máu được mà theo đường đại tiện đi ra ngoài. Chất nhầy trong rau mồng tơi còn giúp hệ tiêu hóa hoạt động trơn tru hơn, kích thích nhu động ruột giảm táo bón.
Rau mồng tơi chứa rất ít chất béo và calo, 100g lá mồng tơi chỉ có 19 calo nên đây là loại thực phẩm rất phù hợp cho người muốn giảm cân.
![]() |
Mồng tơi được xem như “vàng xanh mùa hè” tốt cho sức khỏe |
![]() |
Mồng tơi nấu canh cua đồng là món ăn dân dã, nhiều người yêu thích |
Ăn rau mồng tơi đúng cách
Tuy là loại rau lành tính, rau mồng tơi vẫn cần được sử dụng đúng liều lượng và đúng đối tượng, để tránh các tác dụng không mong muốn. Một số lưu ý quan trọng gồm:
Người có cơ địa “hàn” như bị đau bụng lạnh, tiêu chảy, dạ dày yếu không nên ăn quá nhiều mồng tơi vì dễ gây rối loạn tiêu hóa.Người bị sỏi thận nên hạn chế ăn mồng tơi, do loại rau này chứa nhiều purin – chất sẽ chuyển hóa thành axit uric làm tăng nguy cơ hình thành sỏi. Ngoài ra, mồng tơi còn chứa axit oxalic, có thể làm tăng lượng canxi oxalate trong nước tiểu, thúc đẩy sỏi thận phát triển.
Không nên ăn sống rau mồng tơi do dễ gây đầy bụng, khó tiêu. Bên cạnh đó, không nên để rau nấu chín qua đêm vì hàm lượng nitrat có trong rau sẽ chuyển hóa thành nitrit – chất có thể gây ung thư nếu tích tụ lâu dài trong cơ thể.
Dù rau mồng tơi rất tốt, song các chuyên gia khuyến cáo không nên chỉ ăn một loại rau duy nhất trong những ngày nắng nóng. Cần bổ sung đa dạng các loại rau xanh, trái cây tươi để cung cấp đầy đủ chất xơ, vitamin và khoáng chất.
Ngoài ra, nên uống đủ nước từ 1,5–2 lít/ngày tùy thể trạng và môi trường làm việc; Hạn chế đồ ăn nhiều dầu mỡ, đạm động vật; Tránh uống nhiều nước đá lạnh để giảm áp lực cho hệ tiêu hóa.