Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa thông tin, trong tháng 7, có 23 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ của 13 doanh nghiệp. Tổng giá trị huy động đạt 21.380 tỷ đồng - tăng mạnh so với mức 8.170 tỷ của tháng trước.

Sau nhiều tháng im ắng, nhóm tài chính - ngân hàng trở lại dẫn đầu về lượng phát hành với 12.355 tỷ đồng (chiếm 58% tổng giá trị phát hành toàn thị trường). Techcombank (Mã TCB) là gương mặt đáng chú ý khi huy động 6.000 tỷ đồng từ 2 lô phát hành. Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) phát hành 3.000 tỷ đồng sau 2 đợt huy động.

Nhóm xây dựng - bất động sản chiếm 25% tổng giá trị huy động trái phiếu riêng lẻ tháng 7 trong đó phần lớn thuộc về Công ty TNHH Capitaland Tower với 5.000 tỷ đồng huy động từ 2 lô trái phiếu.

Gần 100.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong quý 3/2023

Sau loạt biến cố, thị trường trái phiếu doanh nghiệp giao dịch ảm đạm với thanh khoản giảm sâu. Sau 3 tuần đi vào hoạt động thị trường giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ được đánh giá là bước khởi đầu cho hành trình "phá băng" thị trường trái phiếu, trở thành kênh đầu tư an toàn cho nhà đầu tư và huy động vốn chất lượng, minh bạch cho các doanh nghiệp.

Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam (CSI) nhìn nhận, từ nay tới cuối năm thị trường trái phiếu có thể chưa có nhiều cải thiện so với giai đoạn đầu năm. Việc vận hành thị trường trái phiếu riêng lẻ tập trung cũng cần thêm thời gian để củng cố, hoàn thiện nhiều yếu tố, đặc biệt là truyền thông, công khai minh bạch thông tin trái phiếu, tổ chức phát hành, phương án sử dụng vốn…

Theo chuyên gia kinh tế, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, hệ thống giao dịch trái phiếu phát hành riêng lẻ hoạt động là cần thiết và phải thực hiện sớm hơn. Việc vận hành thị trường này sẽ giúp trái phiếu lưu thông dễ dàng và định giá sát hơn. Từ đó, doanh nghiệp phát hành phải đề cao hơn giá trị, uy tín và chất lượng trái phiếu.

Áp lực trái phiếu đáo hạn

Kỳ vọng là vậy song trước mắt những áp lực mà các doanh nghiệp nợ vay trái phiếu cao lúc này chưa thể giải quyết ngay. Ghi nhận, lãi hoặc gốc của khoảng 12.470 tỷ đồng trái phiếu đã không thể thanh toán đúng hạn trong tháng 6.

Theo Công ty Chứng khoán VNDirect, trong quý 2/2023 có 29 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ trong nước thành công với tổng giá trị huy động khoảng 19.281 tỷ đồng - giảm 34,4% so với quý 1 và giảm tới 83,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngược lại, có khoảng hơn 70.900 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn - tăng 127% so với quý 1. Gần 40% số này đến từ nhóm bất động sản; 37,1% thuộc về nhóm tài chính - ngân hàng.

Mặt khác, tính đến 26/6, có khoảng 59 doanh nghiệp nằm trong danh sách chậm nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc trái phiếu; tổng dư nợ khoảng 159.500 tỷ đồng (hơn 43.800 tỷ đồng trong số này sẽ đáo hạn trong năm 2023).

Từ đầu năm đến cuối tháng 7, đã có khoảng 82 doanh nghiệp thông báo về việc chậm/hoãn thanh toán gốc, lãi trái phiếu với ước tính tổng giá trị của trái phiếu chậm trả là khoảng 183.000 tỷ đồng, chiếm 17% dư nợ trái phiếu doanh nghiệp của toàn thị trường. Bất động sản là nhóm chiếm tỷ trọng lớn nhất với khoảng 73% lượng chậm trả.

Tại mùa ĐHCĐ thường niên 2023, nhiều doanh nghiệp chia sẻ áp lực về tái cơ cấu nguồn vốn nhằm trả nợ trái phiếu đến hạn trong 2023. Điển hình như tại Bất động sản Phát Đạt, Chủ tịch công ty chia sẻ về việc trong lúc khó khăn nhất, đã chấp nhận bán tài sản 300 tỷ đồng với giá 200 tỷ đồng để có được dòng tiền hỗ trợ công ty.

Gần 100.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong quý 3/2023