Tính đến hết tháng 2, nợ xấu đã vượt 1 triệu tỉ đồng.

Nợ xấu gia tăng trong bối cảnh kinh tế khó khăn và hành lang pháp lý bất cập đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự ổn định của hệ thống tài chính Việt Nam. Ngày 18/4, tại Tọa đàm góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng 2024, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng, đã thẳng thắn chỉ ra những nút thắt nghẽn mạch trong quá trình xử lý nợ xấu, một vấn đề nhức nhối kéo dài nhiều năm qua.

Cụ thể, trong 2 tháng đầu năm 2025, nợ xấu tăng khoảng 34.000 tỷ đồng, trong khi tốc độ xử lý nợ xấu chỉ đạt khoảng 15.000 tỷ đồng do các TCTD trích dự phòng rủi ro để xử lý.

Trước đó, số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, đến cuối tháng 12/2024, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa được xử lý, thu hồi và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu của hệ thống các TCTD ở mức 5,36% so với tổng dư nợ (bao gồm cả nợ xấu của 5 ngân hàng tái cấu trúc). Nếu loại trừ 5 ngân hàng tái cấu trúc thì tỷ lệ nợ xấu khoảng 1,93%, tăng khoảng 0,2% so với năm 2023.

'Gánh' 34.000 tỷ đồng nợ xấu, đại diện các ngân hàng kiến nghị gì?

Nợ xấu trong những tháng đầu năm 2025 đã tăng khoảng 34.000 tỷ đồng so với cuối năm 2024. Ảnh: TL.

Đáng chú ý, tỷ lệ thu hồi nợ chủ yếu dựa vào việc xử lý tài sản đảm bảo (TSBĐ), chiếm tới 46,6%. Điều này cho thấy sự phụ thuộc lớn vào biện pháp cưỡng chế tài sản, trong khi ý thức chủ động trả nợ của khách hàng còn rất thấp, chỉ đạt 36%. Còn lại nợ bán cho VAMC hay thi hành án chỉ đạt một con số khiêm tốn, khoảng 7.000 tỷ đồng.

Trong khi "phao cứu sinh" Nghị quyết 42 đã hết hiệu lực. Sự lo lắng của các ngân hàng là hoàn toàn có cơ sở khi Luật Các TCTD 2024, dù đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, lại bỏ qua một công cụ then chốt trong xử lý nợ xấu: quyền thu giữ tài sản đảm bảo (TSBĐ).

"Hiện nay, ngân hàng phải dùng 48% nguồn dự phòng để xử lý nợ xấu. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến kết quả kinh doanh của các TCTD, cũng như giảm nguồn lực hỗ trợ ngược lại các doanh nghiệp, dòng tiền không luân chuyển được, ảnh hưởng đến thanh khoản, nếu không xử lý kịp thời", ông Hùng nhấn mạnh.

Do đó, ông Hùng cho rằng việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD 2024 không chỉ tạo điều kiện cho các ngân hàng trong việc thu hồi nợ, mà là tiếng chuông cảnh tỉnh để người đi vay phải có ý thức và trách nhiệm trả nợ, xóa bỏ tư duy tìm mọi cách không trả nợ, tìm mọi cách để không bàn giao tài sản.

Ngân hàng đồng loạt 'khẩn cầu' quyền năng đặc biệt

"Trần tình" về vấn đề thu giữ TSBĐ và xử lý nợ xấu, bà Nguyễn Thu Lan, Phó Chủ tịch HĐQT Techcombank dẫn một thực tế: "Người dân gửi vào ngân hàng hàng triệu tỷ đồng, không phải chỉ vài trăm nghìn tỷ đồng, và ngân hàng có trách nhiệm quản lý, chi trả gốc/lãi đầy đủ. Bởi vậy, ngân hàng cũng là tổ chức được xã hội tin tưởng, không thể tùy tiện trong việc thu giữ tài sản".

"Khi tiến hành thu giữ, chúng tôi vô cùng cẩn trọng, bởi bất kỳ sai sót nào trong quá trình này, từ thu giữ, xử lý tài sản, bán đấu giá đến thu hồi tiền đều có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng và khiếu kiện. Nếu làm sai, ngân hàng phải chịu trách nhiệm và vẫn phải chi trả đầy đủ theo quy định", bà Lan cho hay.

Đồng thời nhấn mạnh: Chỉ TCTD mới được Ngân hàng Nhà nước trao quyền thu giữ tài sản, cho thấy sự tin tưởng vào khả năng và trách nhiệm của các TCTD, đồng thời cũng ngầm khẳng định đây không phải là một quyền năng "vô giới hạn". Do đó, yếu tố nhân đạo trong thu giữ tài sản phải tuân thủ khuôn khổ pháp luật, dù quá trình xử lý nợ xấu kéo dài thêm 5, 10 hay 15 năm. Bà đặt ra câu hỏi liệu việc kéo dài thời gian xử lý có thực sự mang lại lợi ích nhân đạo cho người vay hay chỉ khiến tình hình thêm trầm trọng?

"Việc luật hóa quyền thu giữ tài sản không phải là một sự trao quyền "tuyệt đối" cho ngân hàng, mà là một công cụ pháp lý cần thiết, được thực hiện một cách thận trọng và có trách nhiệm, nhằm bảo vệ quyền lợi của cả người gửi tiền, ngân hàng và hướng tới một hệ thống tín dụng lành mạnh, hiệu quả hơn", bà Lan kiến nghị.

'Gánh' 34.000 tỷ đồng nợ xấu, đại diện các ngân hàng kiến nghị gì?

Việc sửa đổi Luật Các TCTD 2024 sẽ tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn cho ngân hàng thu hồi nợ. Ảnh: TL.

Nêu quan điểm, bà Nguyễn Tuyết Dương, Thành viên HĐTV Agribank cũng thừa nhận rằng, dù hệ thống quy định có chặt chẽ đến đâu, vẫn không thể loại trừ hoàn toàn các vụ việc, sai phạm cá nhân. Điều đáng nói là, chúng ta không thể vì một số ít "con sâu làm rầu nồi canh" mà trói buộc cả hệ thống ngân hàng, khiến các TCTD gặp khó khăn trong việc thực hiện quyền thu hồi nợ chính đáng của mình.

"Trách nhiệm xã hội to lớn của ngành ngân hàng trong việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn nhàn rỗi của dân chúng để phục vụ phát triển kinh tế. Thế nhưng, hiệu quả này đang bị suy giảm nghiêm trọng bởi những vướng mắc pháp lý trong quá trình thu hồi nợ và xử lý TSBĐ", bà Dương cho hay.

Đồng thời dẫn chứng: Trong giai đoạn Nghị quyết 42 có hiệu lực, nhiều ngân hàng đã có thể chủ động thu giữ và xử lý các TSBĐ là bất động sản của khách hàng cố tình chây ì nghĩa vụ trả nợ. Thay vì phải trải qua các thủ tục tố tụng phức tạp và kéo dài tại tòa án, ngân hàng có quyền pháp lý rõ ràng hơn để tiến hành các biện pháp thu hồi nợ, từ đó giảm thiểu thời gian và chi phí, đồng thời nhanh chóng tái sử dụng nguồn vốn. Tuy nhiên, khi Nghị quyết 42 hết hiệu lực và Luật Các TCTD 2024 lại chưa có quy định tương ứng, các ngân hàng lại rơi vào tình thế khó khăn, nhiều trường hợp khách hàng lợi dụng kẽ hở pháp lý để trì hoãn việc trả nợ hoặc bàn giao tài sản.

"Vì vậy, việc sửa đổi Luật Các TCTD lần này là nhằm lấp khoảng trống pháp lý; quy định rõ các điểm còn chưa rõ ràng; đảm bảo tính đồng bộ, nhất quán giữa các luật có liên quan", bà Dương nói, và đề xuất sửa đổi dự thảo luật về quyền thu giữ TSBĐ của TCTD, cơ chế xử lý TSBĐ là vật chứng, tang chứng vụ án, và xử lý TSBĐ là quyền khai thác khoáng sản...

Trước những kiến nghị của các nhà băng, để giải quyết triệt để những bất cập này, Hiệp hội Ngân hàng đã mạnh mẽ đề xuất ba "mũi nhọn" pháp lý để đưa vào dự thảo sửa đổi Luật Các TCTD, chuẩn bị trình lên Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, gồm: luật hóa quy định về quyền thu giữ TSBĐ; luật hóa quy định về kê biên TSBĐ của bên phải thi hành án; luật hóa quy định về hoàn trả TSBĐ là vật chứng trong vụ án hình sự và bổ sung quy định về hoàn trả TSBĐ là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

"Kỳ vọng rằng, với những thay đổi mang tính đột phá này, Luật Các TCTD sửa đổi sẽ tạo ra một môi trường tín dụng minh bạch, công bằng", Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho hay.