Giá dầu thế giới đã tăng gần 2% vào ngày thứ Năm (giờ Mỹ) sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tuyên bố sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt thứ cấp đối với các quốc gia và cá nhân tiếp tục mua dầu hoặc sản phẩm hóa dầu từ Iran. Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh vòng đàm phán thứ tư giữa Mỹ và Iran bị hoãn.

Cụ thể, tại 5:36 AM ngày 2/5/2025 giá dầu Brent giao dịch kỳ hạn đã tăng 1,07 USD, tương đương 3,7%, lên mức 61,7 USD/thùng. Trong khi đó, dầu thô WTI của Mỹ cũng ghi nhận mức tăng tương tự - 2,2 USD, tương đương 3,88%, ở mức 58,8 USD/thùng.

Giá dầu bật tăng sau cảnh báo trừng phạt Iran từ Tổng thống Trump
Giá dầu bật tăng sau cảnh báo trừng phạt Iran từ Tổng thống Trump. Ảnh minh hoạ

Tổng thống Trump cảnh báo rằng tất cả các hoạt động mua dầu hoặc sản phẩm hóa dầu từ Iran cần phải chấm dứt ngay lập tức, và bất kỳ cá nhân hoặc quốc gia nào vi phạm sẽ đối mặt với các lệnh trừng phạt thứ cấp. Tuyên bố này được đưa ra sau khi vòng đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Iran, vốn dự kiến tổ chức tại Rome vào thứ Bảy, đã bị hoãn. Một quan chức cấp cao của Iran chia sẻ với Reuters rằng lịch trình mới sẽ được xác định tùy thuộc vào cách tiếp cận của Mỹ trong thời gian tới.

Chuyên gia phân tích năng lượng Andrew Lipow, Chủ tịch công ty Lipow Oil Associates, nhận định rằng nếu chính quyền Trump thực hiện thành công các biện pháp trừng phạt thứ cấp, nguồn cung dầu toàn cầu có thể bị cắt giảm khoảng 1,5 triệu thùng mỗi ngày. “Giá dầu thấp hiện nay đang tạo điều kiện để chính quyền Trump mạnh tay hơn trong việc siết chặt các lệnh trừng phạt này, nhất là khi OPEC+ hiện đang sản xuất vượt hạn ngạch và thậm chí đang lên kế hoạch tăng sản lượng,” ông nói thêm.

Trong khi đó, ba nguồn tin thân cận với OPEC+ tiết lộ rằng một số quốc gia thành viên đang xem xét đề xuất tăng tốc độ nâng sản lượng trong tháng Sáu, đánh dấu tháng thứ hai liên tiếp có động thái này. Tám quốc gia thuộc nhóm OPEC+ dự kiến sẽ nhóm họp vào ngày 5 tháng 5 để thảo luận và quyết định kế hoạch sản lượng cho tháng tới. Tuy nhiên, theo một số nguồn tin từ Reuters, Ả Rập Xê Út đang gửi tín hiệu rõ ràng tới các đồng minh và giới chuyên gia trong ngành rằng họ không có ý định cắt giảm sản lượng để hỗ trợ giá dầu. Thay vào đó, nước này sẵn sàng ứng phó với giai đoạn giá dầu thấp kéo dài.

Ở chiều ngược lại, nhu cầu tiêu thụ dầu đang đối mặt với thách thức khi nền kinh tế Mỹ ghi nhận sự sụt giảm lần đầu tiên sau ba năm trong quý I. Theo dữ liệu công bố hôm thứ Tư, sự gia tăng đột biến trong nhập khẩu xuất phát từ nỗ lực của các doanh nghiệp nhằm tránh chi phí tăng do thuế quan đã góp phần khiến GDP suy giảm, phản ánh sự bất ổn từ chính sách thương mại khó lường của Tổng thống Trump.