Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), từ đầu tháng 4/2025, giá gạo xuất khẩu loại 5% tấm của Việt Nam đã tăng mạnh, đạt mức 397 USD/tấn – cao nhất trong số các quốc gia xuất khẩu lớn như Thái Lan và Ấn Độ. Nhiều thương nhân trong nước thậm chí đã ký hợp đồng bán ra với mức giá vượt ngưỡng 400 USD/tấn.
Đây là bước phục hồi ấn tượng nếu so với thời điểm đầu năm, khi giá gạo Việt giảm sâu do nguồn cung dồi dào sau thu hoạch vụ Đông Xuân và ảnh hưởng từ cạnh tranh giá trong khu vực. Trong khi đó, giá gạo 5% tấm của Thái Lan hiện chỉ còn 393 USD/tấn – mức thấp nhất trong hơn ba năm qua. Gạo Ấn Độ cũng ghi nhận xu hướng giảm, với gạo đồ 5% tấm ở mức 387 USD/tấn – thấp nhất trong gần hai năm.
Theo ông Đỗ Hà Nam – Chủ tịch VFA, nguyên nhân chính khiến giá gạo tăng trở lại là do nguồn cung trong nước đã giảm sau vụ Đông Xuân, trong khi nhu cầu từ các thị trường nhập khẩu vẫn ổn định và có xu hướng tăng.
Thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, trong tháng 3/2025, Việt Nam xuất khẩu hơn 438.800 tấn gạo sang thị trường Philippines – tăng gần 36% so với tháng trước. Giá trị kim ngạch đạt hơn 204 triệu USD, dù giá bán trung bình giảm nhẹ còn 466 USD/tấn.
Tính chung quý I/2025, Việt Nam đã xuất khẩu gần 2,31 triệu tấn gạo, thu về gần 1,21 tỷ USD. So với cùng kỳ năm 2024, sản lượng tăng hơn 5,8%, nhưng giá trị lại giảm hơn 15% do giá gạo xuất khẩu đầu năm ở mức thấp. Tuy vậy, sự phục hồi trong tháng 4 được kỳ vọng sẽ kéo lại đà tăng trưởng giá trị cho cả năm.
![]() |
Giá gạo của Việt Nam hiện cao nhất trong số các quốc gia xuất khẩu lớn. Ảnh minh họa |
Đặc biệt, giá xuất khẩu bình quân trong quý I vẫn đạt 522 USD/tấn – mức cao nhờ tỷ trọng gạo thơm và gạo đặc sản gia tăng. Đây là những dòng sản phẩm có giá trị cao, được thị trường quốc tế ưa chuộng, dù khối lượng xuất khẩu không lớn.
Trong bối cảnh giá gạo trắng phổ thông dao động quanh ngưỡng 400 USD/tấn, các dòng gạo cao cấp như ST25, gạo thơm Jasmine… tiếp tục duy trì mức giá từ 800 đến 1.200 USD/tấn. Thậm chí, nhiều hợp đồng xuất khẩu ST25 được ký với mức trên 1.000 USD/tấn – phản ánh rõ tiềm năng từ phân khúc gạo đặc sản.
Đại diện VFA cho biết, trong tháng 1/2025 – thời điểm giá gạo trắng giảm mạnh – giá xuất khẩu bình quân toàn ngành vẫn giữ trên mốc 600 USD/tấn nhờ sức kéo của các dòng sản phẩm cao cấp. Đây là hướng đi chiến lược, phù hợp với xu hướng tiêu dùng toàn cầu đang ngày càng chú trọng đến chất lượng, dinh dưỡng và truy xuất nguồn gốc.
Năm 2025, Philippines tiếp tục là thị trường nhập khẩu lớn nhất của gạo Việt Nam, với nhu cầu dự báo lên tới 5 triệu tấn. Các thị trường tiềm năng như Nhật Bản, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) cũng đang thể hiện sức mua mạnh mẽ đối với các dòng gạo chất lượng cao.
Tại Nhật Bản, nhu cầu gạo tăng mạnh do nguồn cung nội địa gặp khó khăn. Cơn sốt giá gạo kéo dài từ cuối năm ngoái chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, tạo cơ hội cho gạo Việt Nam thâm nhập sâu hơn. Tuy nhiên, hiện khối lượng gạo cao cấp của Việt Nam xuất khẩu sang Nhật và Mỹ vẫn còn khiêm tốn, chủ yếu do hạn chế về sản lượng và yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn kỹ thuật.