Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tổ chức lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Nghị định quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức, người lao động làm việc tại các cơ sở giáo dục công lập. Trong đó, đáng chú ý là đề xuất điều chỉnh tăng mức phụ cấp đối với giáo viên mầm non nhằm phản ánh đúng tính chất lao động đặc thù và áp lực nghề nghiệp của đội ngũ này.
Cụ thể, dự thảo nêu rõ ba mức phụ cấp ưu đãi:
- Mức 45% áp dụng với viên chức, người lao động làm công tác giảng dạy tại các cơ sở giáo dục mầm non ở khu vực thuận lợi.
- Mức 60% dành cho các giáo viên giảng dạy tại trường mầm non thuộc xã khu vực I, II vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; các xã đảo, hải đảo, xã biên giới, xã an toàn khu theo quy định của Chính phủ.
- Mức 80% áp dụng đối với giáo viên công tác tại các cơ sở giáo dục mầm non ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
![]() |
Với 3 mức phụ cấp ưu đãi với giáo viên mầm non trong đề xuất sẽ giúp tăng thu nhập, ghi nhận công sức cống hiến của các nhà giáo. Ảnh minh hoạ. |
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, mức phụ cấp này đã được điều chỉnh tăng so với hiện hành — từ 35% lên 45% ở vùng thuận lợi và lên đến 80% ở vùng khó khăn nhất. Đây được xem là bước điều chỉnh cần thiết, nhằm ghi nhận đúng mức độ phức tạp, áp lực và tính đặc thù trong công việc của giáo viên mầm non.
Hiện nay, theo quy định của Luật Giáo dục và Điều lệ trường mầm non, giáo viên mầm non có nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ từ 3 tháng tuổi đến 6 tuổi — giai đoạn phát triển đặc biệt đòi hỏi sự quan tâm và giám sát cao độ để đảm bảo an toàn và sự phát triển toàn diện cho trẻ. Trẻ ở độ tuổi này hiếu động, khả năng tập trung chưa cao, nên giáo viên phải thiết kế các hoạt động linh hoạt, sáng tạo để thu hút sự chú ý của trẻ.
Mặc dù làm việc theo quy định 6 giờ/ngày, nhưng thực tế, giáo viên mầm non thường phải đến trường sớm, về muộn để đón, trả trẻ theo yêu cầu của phụ huynh. Nhiều trường hợp, giáo viên làm việc trực tiếp tại trường từ 6h30 đến 18h00, kéo dài tới 9 – 10 giờ mỗi ngày. Chỉ cần còn một trẻ ở lại trường, giáo viên cũng phải ở lại cho đến khi phụ huynh tới đón.
Ngoài ra, phụ huynh ở bậc học mầm non thường đặt nhiều kỳ vọng vào giáo viên, không chỉ ở khía cạnh giáo dục mà còn ở chăm sóc, quan tâm tinh thần và thể chất cho trẻ. Điều này khiến áp lực nghề nghiệp với giáo viên mầm non cao hơn so với các cấp học khác.
![]() |
Theo Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội xác định, cần bổ sung 37.375 biên chế giáo viên mầm non trong giai đoạn 2026-2030. Ảnh minh hoạ |
Mặc dù gánh vác khối lượng công việc nặng nề, tính chất đặc thù cao và thời gian làm việc kéo dài, nhưng thu nhập của giáo viên mầm non hiện vẫn thuộc nhóm thấp nhất trong hệ thống giáo dục. Việc điều chỉnh mức phụ cấp ưu đãi lần này, nếu được thông qua, được kỳ vọng sẽ góp phần cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống và động lực nghề nghiệp cho giáo viên mầm non.