Việt Nam không đi theo mô hình tài chính đa tầng như Singapore hay London mà đang định hình một chiến lược khác biệt: xây dựng một Trung tâm Tài chính Quốc tế xoay quanh năng lực sản xuất thực và thị trường hàng hóa phái sinh.
Trong khi các trung tâm tài chính truyền thống theo đuổi tài chính xanh, quản lý tài sản hay công nghệ tài chính, Việt Nam lại sở hữu lợi thế lớn từ vai trò là một trong những nước xuất khẩu nông sản, khoáng sản và năng lượng hàng đầu thế giới. Tận dụng chính thế mạnh này, Việt Nam đang hướng tới vai trò trung tâm định giá gốc của khu vực, nơi mà mỗi biến động giá hàng hóa không chỉ là tín hiệu kinh tế mà còn là chỉ dấu về vị thế quốc gia.
Theo PGS.TS Ngô Trí Long, “giao dịch qua sở là cơ chế thị trường thuần túy, nơi giá cả được hình thành công khai, minh bạch theo cung – cầu thực”, và đây chính là yếu tố then chốt để phát triển một nền tài chính mang tính nền tảng cho chuỗi giá trị thực toàn cầu.
![]() |
Chuyên gia Kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long. |
Thể chế định hình cấu trúc: Thời cơ của một bước nhảy vọt
Năm 2024, thị trường hàng hóa phái sinh Việt Nam có bước tiến đáng kể về quy mô lẫn độ sâu. Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), khối lượng giao dịch trung bình hàng ngày đã vượt mốc 5.000 tỷ đồng, với đỉnh điểm gần 11.000 tỷ đồng – tương đương một nửa thanh khoản thị trường chứng khoán. Tổng số tài khoản giao dịch vượt 40.000, trong đó hơn 10.000 tài khoản được mở mới chỉ trong vòng một năm. Tuy nhiên, đằng sau các con số tăng trưởng là một hệ sinh thái vẫn còn nhiều điểm nghẽn: thiếu clearing house độc lập, chưa có cơ chế liên thông dữ liệu giữa ngân hàng – kho bãi – logistics và vắng bóng các sản phẩm mang tính phòng hộ phức tạp như hợp đồng quyền chọn, hoán đổi giá hay tín chỉ carbon.
Chính trong bối cảnh đó, Nghị quyết 68-NQ/TW xuất hiện như một “bản thiết kế thể chế” nhằm gỡ bỏ các rào cản đã tồn tại gần hai thập kỷ. Văn kiện này không chỉ xác lập nguyên tắc “Nhà nước kiến tạo – không can thiệp hành chính vào hoạt động sản xuất kinh doanh trái nguyên tắc thị trường” mà còn yêu cầu “xóa bỏ cơ chế xin – cho, tư duy cấm đoán khi chưa biết quản lý” – một thông điệp dứt khoát về cải cách thể chế sâu rộng. Đối với giao dịch hàng hóa, đây là tín hiệu cho phép sở giao dịch vận hành theo đúng logic thị trường: minh bạch, trung lập và phản ánh cung – cầu thực.
Theo ông Nguyễn Đức Dũng – Phó Tổng Giám đốc MXV, “việc tích hợp sở giao dịch hàng hóa vào ngân hàng và thị trường vốn là điều kiện bắt buộc nếu muốn đưa Việt Nam lên vai trò trung tâm định giá khu vực”. Điều này không chỉ đòi hỏi sự nâng cấp về hạ tầng kỹ thuật, mà còn yêu cầu sở hữu dữ liệu gốc về giá cả hàng hóa – nguồn thông tin cốt lõi giúp Việt Nam thoát khỏi vai trò “làm hàng cho thế giới” để trở thành nơi “làm giá cho thế giới”.
Cải cách pháp lý: Thể chế mới cho một thị trường mới
Bộ khung pháp lý hiện hành – chủ yếu dựa trên Nghị định 158/2006/NĐ-CP và Nghị định 51/2018/NĐ-CP – đã lạc hậu so với tốc độ phát triển của thị trường. Những quy định hiện tại chưa cho phép triển khai nhiều sản phẩm phái sinh tiên tiến như hợp đồng quyền chọn, hoán đổi, hợp đồng carbon, sản phẩm ESG hoặc giao dịch T+0, vốn đã phổ biến ở các sở hàng hóa lớn trên thế giới. Sự chậm trễ này không chỉ khiến Việt Nam chậm bước trên thị trường quốc tế mà còn hạn chế khả năng phòng ngừa rủi ro giá của doanh nghiệp xuất – nhập khẩu trong nước.
PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, “nếu thị trường vẫn bị điều tiết bằng mệnh lệnh hành chính, sở giao dịch sẽ không thể phát huy vai trò là công cụ minh bạch hóa giá cả và phòng vệ rủi ro”. Theo ông, cần xây dựng một hành lang pháp lý hoàn toàn mới, theo hướng “giám sát theo nguyên tắc thị trường, không can thiệp hành chính”, giao toàn quyền điều tiết giá về cho thị trường, còn Nhà nước chỉ giữ vai trò giám sát trung lập. Đây chính là lời hồi đáp thể chế trực tiếp cho yêu cầu cải cách được đặt ra trong Nghị quyết 68.
Hiện tại, MXV đã chủ động kiến nghị nhiều cơ chế cải cách quan trọng: cho phép hợp đồng hàng hóa được sử dụng làm tài sản đảm bảo vay vốn, xây dựng sản phẩm tài trợ thương mại dựa trên hợp đồng tương lai, tích hợp hệ sinh thái bảo hiểm – logistics – dữ liệu vào hệ thống vận hành sở. Nếu được thể chế hóa đầy đủ, những đề xuất này sẽ biến giao dịch hàng hóa từ một cấu phần tài chính đơn lẻ thành một mạng lưới gắn kết các thị trường: thị trường vốn, thị trường tiền tệ và thị trường vật chất.
Chiến lược định danh: Việt Nam không cần lớn, chỉ cần đúng
Thay vì cạnh tranh bằng quy mô, Việt Nam có thể cạnh tranh bằng vai trò. Theo TS Trần Văn Bình, những mặt hàng như gạo, cà phê, hồ tiêu, cao su – vốn là thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam – chưa có trung tâm giao dịch nào trên thế giới định giá chuẩn. Nếu tận dụng được lợi thế về sản lượng, hệ thống kho bãi và dữ liệu chất lượng, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành nơi hình thành giá gốc, từ đó dẫn dắt chuỗi định giá toàn cầu trong một số phân khúc chiến lược.
Chiến lược này đang được MXV triển khai thông qua hợp tác với các sở giao dịch quốc tế như ACM Indonesia, SGX, Bursa Malaysia. Trong năm 2025, nhiều sản phẩm như thịt heo, gạo, cao su được kỳ vọng sẽ chính thức lên sàn. Đồng thời, các hợp đồng nano – phiên bản mini của hợp đồng chuẩn – đang được thiết kế nhằm mở rộng tiếp cận cho nhà đầu tư nhỏ lẻ, gắn với mục tiêu phát triển tài chính toàn diện.
Bên cạnh sản phẩm, lực lượng nhân sự cũng đang được chuẩn hóa. Trong năm 2024, gần 1.500 học viên đã được cấp chứng chỉ sau các khóa đào tạo chuyên sâu do MXV phối hợp cùng các đối tác khu vực tổ chức. Ông Andy Tan – Giám đốc Inspirante Trading Solutions Pte Ltd nhận định, “Việt Nam đang hội đủ ba yếu tố: thể chế, hạ tầng và nhân lực – để trở thành trung tâm giao dịch hàng hóa mới của châu Á”.
Nếu tích hợp được sở giao dịch hàng hóa vào hệ sinh thái tài chính quốc gia, đồng thời thể chế hóa toàn diện các tinh thần cải cách của Nghị quyết 68, Việt Nam sẽ có đủ nền tảng để vượt qua vai trò “làm hàng” và bước vào vai trò “làm giá”. Trong chuỗi định hình lại bản đồ tài chính khu vực, Việt Nam không cần trở thành Singapore về kích thước, nhưng hoàn toàn có thể trở thành Singapore về vị thế: nơi các dòng giá hàng hóa được xác lập, không phải từ bàn đàm phán, mà từ sàn giao dịch mang tên Việt Nam.