PV Power (POW): Khuyến nghị mua, giá mục tiêu 16.079 đồng/cp

Chứng khoán Tiên Phong (TPS) đánh giá năm 2025 sẽ là thời điểm then chốt đối với ngành điện khi EVN dự báo nhu cầu tiêu thụ điện đạt mức kỷ lục 347,5 tỷ kWh, tăng 12,5% so với năm trước.

Trong bối cảnh điện than và thủy điện khó tăng công suất do giới hạn hạ tầng, nhiệt điện khí – lĩnh vực chủ lực của POW – được kỳ vọng sẽ được EVN huy động tối đa. Hiện tại, POW đang cung cấp hơn 40% tổng sản lượng điện khí cho EVN, nên sẽ là bên hưởng lợi lớn trong xu hướng này. Không chỉ mảng điện khí, các nhà máy điện than và thủy điện của POW cũng có triển vọng tăng sản lượng để phục vụ nhu cầu tiêu thụ điện tăng đột biến trong năm tới.

Một điểm tích cực khác là biên lợi nhuận gộp của POW được dự báo sẽ cải thiện nhờ giá bán điện trung bình tăng nhanh hơn chi phí đầu vào. TPS kỳ vọng EVN sẽ tăng sản lượng hợp đồng (Qc) cũng như nâng giá mua điện từ các nhà máy nhiệt điện khí nhằm đảm bảo nguồn cung ổn định. Riêng đối với nhà máy nhiệt điện Vũng Áng, POW dự kiến sẽ đàm phán lại hợp đồng mua bán điện (PPA) với EVN vào tháng 5/2025, qua đó có thể cải thiện điều kiện giá bán. Ước tính, giá bán điện trung bình của POW có thể tăng khoảng 7,5% trong khi chi phí đầu vào chỉ tăng khoảng 2%.

Cổ phiếu đáng chú ý 23/5: POW, VNM, IDC
TPS dự phóng các chỉ tiêu tài chính của POW trong năm 2025

Ngoài ra, động lực tăng trưởng dài hạn của POW đến từ 2 nhà máy nhiệt điện sử dụng LNG là Nhơn Trạch 3 và 4. 2 dự án này dự kiến sẽ lần lượt đi vào vận hành từ quý III và quý IV năm nay, tạo ra nguồn thu mới từ năm 2025 và đóng góp lợi nhuận ổn định từ năm 2027. Theo thông tin được công bố, giá bán điện của 2 nhà máy này sẽ cao hơn ít nhất 50% so với mặt bằng hiện tại. Đặc biệt, hợp đồng với EVN có cơ chế đảm bảo huy động tối thiểu 65% công suất trong vòng 10 năm, giúp POW giảm thiểu rủi ro kinh doanh trong dài hạn.

Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng cần lưu ý một số rủi ro như biến động giá khí đầu vào, những thay đổi về chính sách giá điện, rủi ro kỹ thuật trong quá trình vận hành nhà máy hoặc tác động bất lợi từ biến động tỷ giá do POW vay nợ nhiều bằng đồng USD.

Vinamilk (VNM): Khuyến nghị trung lập, giá mục tiêu 60.000 đồng/cp

Chứng khoán Vietcombank (VCBS) giữ quan điểm trung lập đối với cổ phiếu VNM của Vinamilk, với mức giá mục tiêu 60.000 đồng/cp. Định giá này dựa trên kỳ vọng phục hồi tiêu thụ sữa nội địa trong nửa cuối năm, cùng với tăng trưởng ổn định từ mảng xuất khẩu. Tuy nhiên, biên lợi nhuận có thể tiếp tục chịu áp lực, khiến cổ phiếu chưa đủ hấp dẫn để nâng khuyến nghị.

Kết quả kinh doanh quý I/2025 của Vinamilk ghi nhận sự sụt giảm đáng kể khi doanh thu thuần đạt 12.935 tỷ đồng (-8,3% YoY), còn lợi nhuận sau thuế đạt 1.568 tỷ đồng (-28,5% YoY). Nguyên nhân chính là do doanh thu nội địa giảm sâu, trong khi doanh thu từ xuất khẩu lại tăng trưởng mạnh hơn 11,8%. Biên lợi nhuận gộp giảm xuống còn 40,3%, thấp hơn cùng kỳ năm trước do giá nguyên vật liệu đầu vào – đặc biệt là bột sữa nhập khẩu – tăng mạnh. Dù vậy, biên lợi nhuận đã có sự cải thiện nhẹ 0,2 điểm phần trăm so với quý IV/2024, nhờ việc Vinamilk tăng giá bán sản phẩm nhằm bù đắp phần nào chi phí nguyên liệu.

Cổ phiếu đáng chú ý 23/5: POW, VNM, IDC
VCBS dự phóng các chỉ tiêu tài chính của Vinamilk giai đoạn 2025-2026

VCBS cho rằng, mặc dù tiêu thụ sữa trong nước vẫn còn yếu, thị trường đang bắt đầu cho thấy tín hiệu phục hồi nhẹ, nhất là trong tháng 4/2025. Với danh mục sản phẩm đa dạng và các chiến dịch marketing đổi mới thương hiệu đang triển khai, Vinamilk có thể kỳ vọng tăng trưởng trở lại trong các quý tiếp theo. Đặc biệt, tỷ lệ chi phí bán hàng so với doanh thu được kỳ vọng sẽ cải thiện, nhờ quản lý hiệu quả hơn trong hoạt động tái cấu trúc hệ thống phân phối.

Dù vậy, cổ phiếu VNM vẫn đối mặt với một số rủi ro, như việc người tiêu dùng tiếp tục thắt chặt chi tiêu do lo ngại bất ổn kinh tế, đặc biệt là tác động từ chính sách thuế quan mới của Mỹ có thể ảnh hưởng đến thị trường lao động và thu nhập của hộ gia đình. Ngoài ra, nếu chi phí nguyên vật liệu tiếp tục leo thang trong khi Vinamilk không thể tăng giá bán tương ứng, biên lợi nhuận có thể bị thu hẹp thêm trong tương lai gần.

IDICO (IDC): Khuyến nghị khả quan, giá mục tiêu 50.510 đồng/cp

Theo Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), IDC hiện sở hữu quỹ đất khu công nghiệp rất lớn với tổng diện tích lên đến 1.092ha, trong đó hơn 450ha đã sẵn sàng cho thuê. Đây là lợi thế cạnh tranh quan trọng trong bối cảnh nhu cầu thuê đất từ các doanh nghiệp sản xuất vẫn ở mức cao.

Bên cạnh đó, IDC còn đang mở rộng thêm quỹ đất tại các khu công nghiệp mới như Tân Lập 1, Mỹ Xuân B1 MR và Vinh Quang – những dự án đang trong quá trình đền bù, giải phóng mặt bằng và sẽ bổ sung vào nguồn cung trong vòng 2–3 năm tới.

Cổ phiếu đáng chú ý 23/5: POW, VNM, IDC
BVSC ước tính giá trị hợp đồng từ các KCN của IDC

Ngoài lĩnh vực khu công nghiệp, IDC cũng đầu tư mạnh vào bất động sản dân cư – đặc biệt tại Long An và Đồng Nai, nơi đang có tốc độ đô thị hóa nhanh, hạ tầng giao thông phát triển và nhu cầu nhà ở tăng cao do làn sóng dịch chuyển dân cư từ TP. HCM. Các dự án như KDC Hựu Thạnh tại Long An đã được giao đất và triển khai giai đoạn 1, là nguồn tăng trưởng doanh thu mới cho IDC trong trung và dài hạn.

Tuy nhiên, trong ngắn hạn, hoạt động kinh doanh của IDC có thể chịu ảnh hưởng tiêu cực từ chính sách thuế quan mới và tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trong việc mở rộng sản xuất. BVSC dự báo doanh thu năm 2025 của IDC có thể đạt khoảng 7.407 tỷ đồng, giảm 16% so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế ước đạt 1.847 tỷ đồng, tương đương mức giảm 8%.

Dù đối mặt với một số thách thức trong ngắn hạn, IDC vẫn được đánh giá là doanh nghiệp có tiềm lực tài chính vững chắc với tỷ lệ nợ vay trên tổng tài sản duy trì ở mức an toàn 17–18%, cùng khả năng thanh toán tốt ngay cả khi dòng tiền từ khu công nghiệp bị gián đoạn. Về dài hạn, IDC vẫn sở hữu những lợi thế lớn từ quỹ đất công nghiệp, danh mục dự án đa dạng, dòng tiền ổn định từ kinh doanh điện trong KCN và một đội ngũ lãnh đạo giàu kinh nghiệm.