Trong phiên giao dịch ngày 19/5, giá cà phê trên hai sàn lớn tiếp tục đỏ lửa. Giá cà phê Robusta giảm 1,41%, xuống 4.903 USD/tấn, Giá Arabica cũng sụt 1,44% (5,4 US cent/pound) 369,3 US cent/pound. Nguyên nhân chính đến từ các dự báo tích cực về nguồn cung toàn cầu.
![]() |
Giá cà phê robusta trên Sàn London trong phiên giao dịch ngày 21/5. Nguồn: giacaphe.com |
![]() |
Giá cà phê arabica trên Sàn New York trong phiên giao dịch ngày 21/5. Nguồn: giacaphe.com |
Theo Cơ quan Cung ứng Quốc gia Brazil (Conab), sản lượng cà phê nước này trong niên vụ 2025-2026 được dự báo tăng 2,7%. Đồng thời, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cũng ghi nhận xuất khẩu cà phê của Honduras và Uganda đều tăng 2,6%, trong khi El Salvador cũng cho thấy mức tăng nhẹ. Bên cạnh đó, Brazil và Indonesia đã bắt đầu vụ thu hoạch cà phê Robusta, còn Arabica tại Brazil cũng sẽ bước vào chính vụ trong nửa cuối tháng 5, càng tạo thêm áp lực giảm giá.
Tại thị trường nội địa, giá cà phê cũng không thoát khỏi xu hướng lao dốc. Trong ngày 21/5, giá giảm 1.500 đồng/kg so với ngày hôm qua, xuống còn 124.500 – 125.200 đồng/kg.
![]() |
Đơn vị: Đồng/kg |
Việt Nam từng là “ông vua” Robusta với gần 40% thị phần toàn cầu – đang đối mặt với nguy cơ mất ngôi vương vào tay Brazil, khi sản lượng liên tục đi xuống. Bộ Nông nghiệp và Môi trường dự báo, sản lượng Robusta trong niên vụ 2024/2025 sẽ chỉ đạt khoảng 26,5 triệu bao (60 kg/bao) mức thấp nhất trong 4 năm. Trong khi đó, Brazil tăng tốc vượt bậc. Conab dự báo sản lượng Robusta của Brazil sẽ đạt 18,7 triệu bao, tăng 27,9%. Công ty phân tích Safras & Mercado thậm chí đưa ra con số 25 – 26 triệu bao, nhờ diện tích mở rộng và áp dụng kỹ thuật canh tác hiện đại.
Ông Trịnh Đức Minh – Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột – cảnh báo: “Nếu đà này tiếp diễn, chỉ trong 2 – 3 năm nữa, Brazil có thể vượt Việt Nam về sản lượng Robusta”.
Dù giá xuất khẩu tăng, sản lượng cà phê Việt Nam đang thực sự đáng lo. Theo Tổng cục Hải quan, năm 2024, Việt Nam xuất khẩu khoảng 1,32 triệu tấn cà phê, đạt kim ngạch 5,48 tỷ USD – mức cao kỷ lục. Tuy nhiên, sản lượng thực tế giảm tới 18,8%, thấp nhất trong 9 năm qua. Tính đến hết tháng 4/2024, Việt Nam đã xuất khẩu 660.000 tấn cà phê, thu về gần 3,8 tỷ USD – giảm 9,8% về sản lượng so với cùng kỳ năm trước. Ông Nguyễn Nam Hải – Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (VICOFA) – lý giải nguyên nhân sụt giảm sản lượng là do thời tiết khô hạn kéo dài và biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, nông dân chuyển sang trồng sầu riêng, bơ, tiêu khiến diện tích cà phê bị thu hẹp.
Tính đến niên vụ 2023 – 2024, diện tích cà phê của Việt Nam ước khoảng 709.000 ha, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng con số thực tế chỉ còn khoảng 600.000 ha do chuyển đổi cây trồng.
Nếu không có giải pháp căn cơ, Việt Nam sẽ không chỉ đánh mất ngôi đầu xuất khẩu Robusta, mà còn hụt hơi trong cuộc đua chất lượng và thương hiệu với các đối thủ toàn cầu.