'Nắn' tỷ giá khoảng 3-4%/năm để cân bằng cung cầu và né cú sốc thuế quan
Mức thuế 46% mà Mỹ sẽ đánh vào hàng hóa Việt Nam là cực kỳ cao, vượt xa mọi dự báo trước đó. Đối với nhiều mặt hàng, mức thuế này gần như tước đi toàn bộ lợi thế giá của doanh nghiệp Việt Nam. Thực tế, ngay sau thông báo thuế, nhóm cổ phiếu doanh nghiệp xuất khẩu trên thị trường chứng khoán Việt Nam đã lao dốc, vốn hóa “bốc hơi” hàng trăm nghìn tỷ đồng chỉ sau vài phiên.
Những năm qua, Việt Nam đã khéo léo tận dụng làn sóng dịch chuyển sản xuất toàn cầu, đặc biệt sau cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung năm 2018, để vươn mình trở thành một "công xưởng" mới đầy hấp dẫn trong chiến lược "China +1". Con số 11 tỷ USD vốn FDI đăng ký và 5 tỷ USD giải ngân chỉ trong quý I/2025, với mức tăng trưởng ấn tượng so với cùng kỳ, là minh chứng rõ ràng cho sức hút mạnh mẽ của Việt Nam.
Tuy nhiên, nguy cơ đảo ngược dòng vốn FDI không còn là một giả thuyết xa vời. Các tập đoàn đa quốc gia, vốn xem Việt Nam là "cứ điểm" sản xuất và xuất khẩu, giờ đây buộc phải tính đến bài toán né thuế bằng cách dịch chuyển một phần hoạt động sang các quốc gia khác. Điều này đồng nghĩa với việc một lượng vốn ngoại hiện hữu có khả năng "rút chân", kéo theo sự suy giảm trong đầu tư và làm lung lay các kế hoạch mở rộng trong tương lai. Đặc biệt, các ngành công nghiệp xuất khẩu chủ lực như điện tử, điện thoại và máy móc sẽ là những "nạn nhân" chịu tổn thương nặng nề nhất.
![]() |
Chính sách tiền tệ Việt Nam cần linh hoạt điều chỉnh tỷ giá từng bước, kết hợp công cụ lãi suất và can thiệp ngoại hối hợp lý để vừa giữ được ổn định, vừa không làm doanh nghiệp kiệt quệ. Ảnh: TL. |
Thực tế 72% kim ngạch xuất khẩu năm 2024 đến từ khu vực FDI đã phơi bày sự phụ thuộc sâu sắc của nền kinh tế Việt Nam. Nếu dòng vốn này suy yếu, hệ lụy sẽ lan rộng, tác động tiêu cực đến sản xuất, chuỗi cung ứng và tạo ra những thách thức không nhỏ cho vấn đề việc làm.
Trao đổi về vấn đề này, GS.TS Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội khoá XV, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân chỉ rõ: động thái áp thuế của Mỹ gây xáo trộn dòng chảy thương mại, tác động đến vốn đầu tư và lạm phát toàn cầu, dẫn đến áp lực lớn lên tỷ giá. Do sự phụ thuộc vào xuất khẩu và FDI, chính sách thuế quan khiến hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ suy giảm, đồng thời làm chậm hoặc giảm dòng vốn FDI.
"Việt Nam từng là điểm đến hấp dẫn để thu hút FDI sản xuất và xuất khẩu, nhưng giờ đây, các doanh nghiệp sẽ thận trọng hơn do Việt Nam không còn là nơi trú ẩn an toàn khỏi thuế quan. Điều này ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn thu ngoại tệ và làm suy giảm dự trữ ngoại hối của quốc gia", ông Cường nhấn mạnh.
Đồng thời cho rằng, năm 2024 VND đã mất giá 4,8% so với USD. Trong kịch bản bất lợi, nếu mức thuế 46% được giữ nguyên, tỷ giá USD/VND có thể tăng tới 10% trong năm nay, gây thêm áp lực phá giá VND do nhu cầu USD tăng (nhập khẩu ít co giãn hơn xuất khẩu khi có thuế). Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đối mặt lựa chọn khó khăn: hoặc phá giá mạnh VND hỗ trợ xuất khẩu (rủi ro bị Mỹ cáo buộc thao túng tiền tệ), hoặc ổn định tỷ giá bằng dự trữ và thắt chặt tiền tệ.
"Chính sách tiền tệ Việt Nam cần linh hoạt điều chỉnh tỷ giá từng bước, kết hợp công cụ lãi suất và can thiệp ngoại hối hợp lý để vừa giữ được ổn định, vừa không làm doanh nghiệp kiệt quệ. Khả năng cao NHNN sẽ điều chỉnh tỷ giá từ từ, kiểm soát (mất giá ~3-4%/năm) để cân bằng cung cầu và tránh biến động sốc", ông Cường cho hay.
Linh hoạt hỗ trợ doanh nghiệp thay vì 'mạo hiểm' lãi suất
Biến động khó lường của tỷ giá và sự "nhạy cảm" của dòng vốn ngoại đang khiến NHNN phải "cân não" trên bàn cờ chính sách lãi suất. Để giữ chân dòng vốn và giảm thiểu áp lực đồng Việt Nam (VND), việc duy trì một khoảng chênh lệch lãi suất hợp lý giữa VND và USD trở thành một mệnh lệnh sống còn.
Trong bối cảnh đó, kịch bản về một đợt cắt giảm lãi suất mạnh mẽ trong ngắn hạn, dù nền kinh tế đang "khát" nguồn lực hỗ trợ, càng trở nên khó khăn hơn. Cần phải nhớ rằng, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có nhiều khả năng sẽ tiếp tục "gồng mình" giữ lãi suất USD ở mức cao để ghìm cương lạm phát vẫn còn rình rập. Nếu NHNN vội vã hạ lãi suất điều hành, VND sẽ trở nên kém hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư, khiến họ ồ ạt rút vốn, đẩy nhu cầu chuyển đổi VND sang USD lên cao, và cuối cùng "dìm" tỷ giá vào vòng xoáy mất giá không kiểm soát.
![]() |
Thay vì những đợt cắt giảm lãi suất cơ bản mạnh tay, NHNN có thể sẽ linh hoạt bằng cách sử dụng các công cụ hỗ trợ thanh khoản một cách có chọn lọc. Ảnh: TL. |
Ngược lại, việc tăng lãi suất, dù có thể tạm thời hạ nhiệt áp lực tỷ giá bằng cách gia tăng sức hấp dẫn của việc nắm giữ VND, song lại mang theo một "tác dụng phụ" nguy hiểm không kém: làm tăng chi phí vốn của doanh nghiệp. Điều này đặc biệt bất lợi khi các doanh nghiệp Việt Nam đang phải oằn mình chống đỡ với tình trạng xuất khẩu sụt giảm do những biến động từ bên ngoài.
"Dư địa chính sách tiền tệ hiện nay rất hạn chế. Nhiều khả năng, NHNN sẽ "án binh bất động" trên mặt trận lãi suất liên ngân hàng và chính sách, giữ chúng ở mức vừa đủ để neo tỷ giá. Thay vì những đợt cắt giảm lãi suất cơ bản mạnh tay, NHNN có thể sẽ linh hoạt bằng cách sử dụng các công cụ hỗ trợ thanh khoản một cách có chọn lọc", GS.TS Hoàng Văn Cường nêu quan điểm.
Chẳng hạn, NHNN có thể bơm thanh khoản tạm thời qua thị trường mở nếu căng thẳng, hoặc tung ra các gói tín dụng ưu tiên cho ngành chịu ảnh hưởng, thay vì hạ mạnh lãi suất cơ bản. Thực tế năm 2024, NHNN đã thận trọng giữ lãi suất điều hành ổn định và kiểm soát lãi suất thị trường mở, đồng thời hút bớt tiền khi cần để hỗ trợ tỷ giá.
Dễ thấy nhất, trong quý III/2024, khi tỷ giá USD/VND có dấu hiệu căng thẳng do các yếu tố bên ngoài, NHNN đã hút ròng hàng chục nghìn tỷ đồng qua kênh OMO bằng cách bán tín phiếu NHNN kỳ hạn ngắn. Động thái này không trực tiếp làm tăng lãi suất điều hành, nhưng đã giảm bớt lượng tiền đồng dư thừa trong hệ thống ngân hàng, qua đó hỗ trợ ổn định tỷ giá.
Cũng theo ông Cường, trong bối cảnh mới đầy biến động, NHNN có thể sẽ duy trì lãi suất tái cấp vốn ở mức 4,5%/năm, theo dõi sát chênh lệch lãi suất VND-USD và chỉ giảm lãi suất nếu áp lực tỷ giá giảm rõ rệt. Ví dụ: Nếu NHNN giảm lãi suất điều hành thêm 1%/năm, trong khi lãi suất USD vẫn ở mức 5-5,25%/năm, chênh lệch lãi suất sẽ thu hẹp đáng kể. Điều này có thể kích thích dòng vốn đầu tư gián tiếp chuyển dịch sang nắm giữ USD hoặc các tài sản bằng USD, gây áp lực mất giá lên VND và làm giảm dự trữ ngoại hối.
"Đây là một chiến lược "cân đo đong đếm" kỹ lưỡng giữa việc bảo vệ tỷ giá và hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất và tìm kiếm thị trường mới", ông Cường nhận định.