Hai cổ phiếu ngân hàng có thể vượt đỉnh ngay sau Tết 2024?
Hình minh họa

Cổ phiếu ngân hàng sau một thời gian hồi phục mạnh mẽ được kỳ vọng sẽ điều chỉnh, nhường cho các nhóm ngành khác tăng trưởng theo quy luật vận động của dòng tiền. Tuy vậy, càng về sát Tết Âm lịch 2024, nhóm ngân hàng càng tăng trưởng mạnh mẽ.

Gần như lặng sóng kể từ đầu năm 2023 (ngoại trừ VCB "chín sớm" và lập đỉnh giá hồi tháng 7), tuy nhiên chỉ 7 tuần giao dịch trước Tết 2024, hàng loạt cổ phiếu nhà băng đã bốc đầu tăng mạnh.

Rộng hơn, kể từ thời điểm VN-Index hồi phục đầu tháng 11/2023 đến nay, nhiều mã đã tăng hàng chục % lên các mức đỉnh lịch sử như CTG (+45,4%), HDB (+38,5%), BID (+39,5%), TCB (+37,2%), ACB (+31,8%), LPB (+25,8%), VIB (+27,4%), TPB (+18,8%),...

Chỉnh tính từ cuối tháng 7/2023 tới nay, lần lượt các cổ phiếu VCB, BID, ACB, HDB, LPB đã thiết lập các mức đỉnh lịch sử.

Cổ phiếu CTG với mức tăng 45% trong hơn 3 tháng qua cũng cách đỉnh 36.8x đồng chỉ 3,6%. Hay như MBB với nhịp tăng 28% đang cách đỉnh 24.3x chỉ 3,3%.

Trong bối cảnh lãi suất tiền gửi duy trì mức thấp, việc thu về khoản lợi nhuận gấp từ 4-9 lần lãi suất từ đầu tư cổ phiếu ngân hàng đã đem đến cái Tết "ấm no" cho hàng vạn cổ đông (đặc biệt là những cổ đông nhóm ngân hàng Big4).

Năm 2023, hầu hết các nhà băng này đã cán mốc lợi nhuận trước thuế và duyb trì vị thế Top đầu nhóm các ngành ngân hàng niêm yết.

Năm 2023, ngành ngân hàng đối mặt với nhiều thách thức với tăng trưởng tín dụng hạn chế và chất lượng tài sản suy giảm. Mặc dù mặt bằng lãi suất cho vay đã neo tại mức thấp, ảnh hưởng không nhỏ đến NIM, tuy nhiên nhu cầu đầu ra vẫn hạn chế. Với 4 lần giảm lãi suất, kỳ vọng đáy của NIM sẽ ở đâu đó quanh mức hiện tại. Tuy nhiên, mức độ cải thiện sẽ phân hóa giữa các ngân hàng, với ưu thế thuộc về những ngân hàng có tỷ lệ cho vay cá nhân cao, LDR thấp.

Theo ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc phân tích khối khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta, định giá của nhóm ngân hàng dù không thực sự hấp dẫn nhưng nhà đầu tư đang nhìn vào kỳ vọng trong năm 2024.

Điểm tích cực là thời gian vừa qua Ngân hàng Nhà nước đồng ý gia hạn xử lý nợ xấu giúp các ngân hàng có thêm dư địa để giảm lãi suất đẩy động lực tăng trưởng tín dụng trong năm 2024 mà được giao cả năm là 15%. Ngân hàng thương mại có tính chủ động hơn mọi năm trong việc đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng.

Tỷ lệ CASA của nhóm này cũng đang tăng dần trở lại, tác động chính vào lợi nhuận ngân hàng năm 2024, tạo dư địa cho nhóm này có NIM tốt hơn trong năm 2024. "Trong ngắn hạn định giá ngân hàng có thể cao nhưng 2024 khi kết quả kinh doanh tích cực hơn thì mức định giá của ngân hàng sẽ được định giá lại", ông Minh nhấn mạnh.