Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà (Hải Hà Petro) và Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức sử dụng sai quỹ bình ổn, không kết chuyển về tài khoản quỹ mà để lại tài khoản thanh toán của doanh nghiệp. Hai đơn vị này cũng khai thiếu, nợ thuế bảo vệ môi trường hàng nghìn tỷ đồng.

Đại diện Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, cơ quan đang xem xét thu hồi giấy phép kinh doanh xăng dầu của hai đơn vị này.

Vị đại diện này cũng cho biết thêm, vi phạm của hai doanh nghiệp này liên quan nhiều vấn đề, như Quỹ bình ổn, hay nợ thuế bảo vệ môi trường... nên cần rà soát kỹ để xử lý theo quy trình, thủ tục và xin ý kiến các cơ quan liên quan.

Hai doanh nghiệp lạm dụng quỹ bình ổn xăng dầu có thể bị tước giấy phép kinh doanh
Hải Hà Petro và Tập đoàn Thiên Minh Đức vi phạm nhiều vấn đề như Quỹ bình ổn, nợ thuế

Tháng 8/2023, Bộ Công Thương đã thu hồi giấy phép của Xuyên Việt Oil - một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu cũng bị nêu tên tại kết luận của Thanh tra Chính phủ, vì vi phạm sử dụng Quỹ bình ổn giá, nợ thuế. Còn Hải Hà Petro và Thiên Minh Đức, tại kết luận công bố đầu tháng 1, Thanh tra Chính phủ kiến nghị chuyển hồ sơ vi phạm sang Bộ Công an xử lý.

Riêng với sai phạm lạm dụng quỹ bình ổn giá của hai đơn vị này, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính đang chưa thống nhất được quan điểm chung, cơ quan nào có trách nhiệm trong chốt số dư quỹ.

Theo báo cáo gần nhất của Hải Hà Petro, số dư quỹ bình ổn tháng 11/2023 là hơn 612 tỷ đồng và Công ty Thiên Minh Đức hơn 466 tỷ đồng.

Bộ Công Thương đề nghị Bộ Tài chính cho ý kiến xử lý số dư quỹ đang để tại hai doanh nghiệp này, trước khi thu hồi giấy phép kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng dầu. Tuy nhiên, với trường hợp Hải Hà Petro, Bộ Tài chính lại cho rằng, Bộ Công Thương trước khi thu hồi giấy phép phải chủ động đồng bộ việc xử lý quỹ bình ổn, gồm việc chốt số dư quỹ để thu hồi vào ngân sách Nhà nước.

Với Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công Thương xác định số dư quỹ bình ổn giá xăng dầu, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, ngân hàng thương mại nơi thương nhân mở tài khoản quỹ bình ổn để thu hồi quỹ về ngân sách, trước khi doanh nghiệp bị chấm dứt vai trò là thương nhân đầu mối.

Nhưng trong công văn mới đây, Bộ Công Thương cho biết mình không có chức năng, thẩm quyền và Bộ Tài chính mới là cơ quan có nhiệm vụ quản lý quỹ bình ổn.

Từ trước đến nay, Bộ Công Thương cho rằng Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) là đơn vị đầu mối tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát, chốt số dư quỹ bình ổn xăng dầu, Bộ Công Thương chỉ phối hợp khi có yêu cầu.

Trước khi thu hồi giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu của 2 doanh nghiệp trên, Bộ đã gửi công văn yêu cầu Bộ Tài chính phối hợp thực hiện. Bộ Công Thương cũng yêu cầu Bộ Tài chính kiểm tra, giám sát thương nhân đầu mối về trích lập, sử dụng quỹ. Từ tháng 6/2022, Bộ đã trao đổi phương án đôn đốc nộp số dư quỹ bình ổn giá.

Gần nhất, Bộ Tài chính đã chủ trì xác minh việc chuyển nộp quỹ bình ổn vào ngân sách Nhà nước của Công ty Xuyên Việt Oil và Công ty Hưng Phát.