Dữ liệu từ hai vệ tinh GRACE và GRACE-FO của NASA vừa đưa ra một phát hiện gây ngạc nhiên: băng tại Nam Cực – vốn đang tan chảy nhanh chóng suốt hai thập kỷ qua – lại bất ngờ có xu hướng tăng mạnh trở lại trong giai đoạn 2021 đến 2023. Theo ước tính, trung bình mỗi năm Nam Cực đang “hồi phục” khoảng 119 tỷ tấn băng. Thông tin này khiến nhiều người đặt câu hỏi: điều gì đang thực sự xảy ra với Trái đất khi nền nhiệt toàn cầu liên tục lập kỷ lục cao mới?
![]() |
Điều gì đang thực sự xảy ra với Trái đất khi nền nhiệt toàn cầu liên tục lập kỷ lục cao mới? |
Trong thời gian dài trước đó, cộng đồng khoa học đã chứng kiến tốc độ tan băng tại Nam Cực diễn ra nhanh chóng và liên tục. Cụ thể, từ năm 2002 đến 2010, mỗi năm vùng băng này mất trung bình 81 tỷ tấn băng. Từ 2011 đến 2020, tốc độ tan chảy càng tăng cao với con số trung bình là 157 tỷ tấn băng bị mất mỗi năm. Việc băng tăng trở lại vào giai đoạn gần đây, vì vậy, mang tính bất ngờ và kích thích một loạt nghiên cứu mới nhằm lý giải nguyên nhân của hiện tượng đảo chiều này.
NASA cho biết nguyên nhân chính đến từ sự gia tăng bất thường về lượng tuyết và mưa ở khu vực Đông Nam Cực. Đây cũng là nơi từng chứng kiến các sông băng lớn như Denman, Scott, Byrd và Jutulstraumen mất đi khối lượng lớn băng trong thời gian trước. Tuy nhiên, những dòng sông băng này hiện đang có dấu hiệu tăng khối lượng trở lại. Hiện tượng thời tiết cực đoan do khí hậu ấm lên – trong đó có việc không khí giữ được nhiều hơi nước hơn – đã khiến một số khu vực nhận lượng tuyết nhiều hơn bình thường. Chính điều này đã giúp bù đắp một phần khối lượng băng đã mất trong ngắn hạn.
Tuy vậy, các chuyên gia khí hậu cảnh báo rằng sự phục hồi này chỉ mang tính tạm thời. Cốt lõi của vấn đề vẫn không thay đổi: Trái đất đang tiếp tục nóng lên. Các khu vực khác của Nam Cực, nơi có những sông băng lớn đổ ra đại dương ấm, vẫn đang mất băng nhanh chóng. Vì thế, tổng thể toàn châu lục vẫn chưa đảo ngược được xu hướng tan băng đã kéo dài nhiều năm qua. Lượng tuyết tăng lên chỉ như một sự “vá víu” tạm thời, không đủ để thay đổi cục diện của biến đổi khí hậu toàn cầu.
Điều đáng nói là hiện tượng này lại diễn ra trong bối cảnh nền nhiệt toàn cầu đang tăng mạnh chưa từng có. Trong 22 tháng gần nhất tính đến tháng 4/2025, có tới 21 tháng ghi nhận mức nhiệt vượt ngưỡng 1,5°C – mức giới hạn nguy hiểm được đặt ra trong Thỏa thuận Paris nhằm hạn chế thảm họa khí hậu. Điều đó cho thấy hiện tượng tăng băng tại Nam Cực không đồng nghĩa với việc thế giới đã đi đúng hướng trong cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu.