Theo báo cáo từ Chi cục Thú y – Sở Nông nghiệp và Môi trường TP Huế, vào khoảng 21 giờ ngày 9/7, đoàn kiểm tra gồm lực lượng thú y, cán bộ Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an TP và đại diện UBND phường Thanh Thủy đã tiến hành kiểm tra lò mổ Thủy Dương (phường Thanh Thủy), do ông Nguyễn Cửu D. làm chủ. Tại đây, đoàn phát hiện có hai con heo – một con nái, một con thịt – đang bị giết mổ ngoài khung giờ quy định.
Khám lâm sàng bước đầu cho thấy những dấu hiệu nghi ngờ: xuất hiện chấm đỏ bất thường ở chân, đầu và một số bộ phận nội tạng. Thậm chí, hai con heo khác vẫn còn sống tại cơ sở cũng mang dấu hiệu bệnh lý tương tự. Không để kéo dài nguy cơ, đoàn kiểm tra quyết định tiêu hủy ngay lập tức 4 con heo, bao gồm cả hai con đã mổ và hai con còn sống.
![]() |
Heo nghi bệnh bị đem đi tiêu hủy ngay lập tức. Ảnh: Người lao động |
Ngay sau khi tiêu hủy, lực lượng chức năng đã triển khai các biện pháp xử lý y tế và vệ sinh nghiêm ngặt. Khu vực giết mổ được tiến hành tiêu độc khử trùng toàn diện. Đồng thời, 16 con heo còn lại tại chuồng đã bị niêm phong, chờ kết quả xét nghiệm mẫu bệnh để có hướng xử lý tiếp theo.
Sáng 10/7, tại buổi họp báo thường kỳ của UBND TP Huế, ông Lê Viết Bắc, Phó Giám đốc Sở Y tế TP công bố thông tin đáng chú ý. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn TP đã ghi nhận 31 ca nhiễm liên cầu lợn, trong đó có 1 trường hợp tử vong. Nạn nhân là ông B.V.C. (50 tuổi, trú phường Thuận Hóa), khởi phát triệu chứng sốt vào tối 1/7 và được đưa đến bệnh viện vào ngày 2/7 nhưng đã không qua khỏi.
![]() |
Huế đang căng mình chống dịch liên cầu lợn. Ảnh: TTXVN |
Kết quả xét nghiệm do Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Huế thực hiện đã xác nhận ông C. dương tính với Streptococcus suis (liên cầu lợn). Các trường hợp còn lại hiện đang điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế. Các ca nhiễm trải dài ở nhiều phường, xã khác nhau trên địa bàn thành phố.
Tại buổi họp, ông Lê Viết Bắc cũng cho biết, ngành y tế đã tiến hành tổng vệ sinh môi trường và triển khai điều tra dịch tễ học. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, cơ quan chức năng chưa xác định được nguồn lây chính xác từ khâu giết mổ, buôn bán hay tiêu thụ thực phẩm.
Trước tình hình diễn biến phức tạp, ngành y tế TP Huế đã đưa ra khuyến cáo dành cho người dân: ăn chín uống sôi, không tiêu thụ heo bệnh hoặc heo chết, nếu xuất hiện sốt cao, mệt mỏi, đau đầu, đau nhức cơ thể sau khi dùng thịt heo cần đến bệnh viện để khám cấp cứu kịp thời.