Trong nhiều gia đình hiện nay, việc để TV, máy tính, điều hòa, loa Bluetooth hay sạc điện thoại cắm điện liên tục dù không sử dụng đã trở nên phổ biến. Nhiều người lầm tưởng rằng chỉ cần tắt thiết bị bằng điều khiển từ xa là thiết bị đã hoàn toàn ngừng tiêu thụ điện. Tuy nhiên, theo các chuyên gia năng lượng, sự thật lại khác hẳn.

Phần lớn thiết bị điện tử hiện đại khi được tắt bằng remote sẽ chuyển sang chế độ “chờ” (standby), thay vì ngắt hẳn nguồn. Trong chế độ này, thiết bị vẫn âm thầm tiêu thụ điện để duy trì các chức năng nền như cảm biến tín hiệu, đồng hồ thời gian thực hoặc bộ nhận điều khiển từ xa.

Cụ thể, một chiếc TV LCD hiện đại có thể tiêu thụ khoảng 1–2 watt ở chế độ chờ. Sạc điện thoại cắm không có thiết bị vẫn rút điện ở mức 0,1–0,3 watt. Router Wi-Fi, đầu thu truyền hình số hay máy in – những thiết bị cần duy trì kết nối – thậm chí có thể “ngốn” từ 3 đến 8 watt. Một số thiết bị khác như loa kéo, lò vi sóng có màn hình LED hoặc laptop ở chế độ “ngủ tạm thời” (idle) còn tiêu tốn nhiều điện hơn, ở mức 10–20 watt.

Thói quen 'âm thầm' làm tăng hóa đơn tiền điện, đa số các gia đình hiện đại mắc phải
Phần lớn các gia đình không có thói quen rút toàn bộ thiết bị điện khi ra ngoài. Ảnh minh họa

Mỗi thiết bị tiêu thụ một lượng điện rất nhỏ khi chờ, nhưng nếu cộng dồn từ 10 đến 15 thiết bị trong cả gia đình, lượng điện tiêu thụ sẽ trở nên đáng kể. Ước tính, tổng lượng điện năng mà các thiết bị “đứng im” này ngốn có thể lên tới 300–350 kWh/năm, tương đương 5–10% tổng điện năng tiêu thụ của một hộ dân trung bình.

Nếu lấy giá điện sinh hoạt trung bình ở bậc 3 là khoảng 2.380 đồng/kWh, phần điện tiêu thụ không cần thiết này có thể khiến bạn chi thêm từ 700.000 đến 800.000 đồng mỗi năm. Ví dụ, một gia đình có hai TV sẽ tốn khoảng 35 kWh/năm, hai đầu thu truyền hình tiêu thụ thêm 80 kWh, router Wi-Fi khoảng 70 kWh, cộng thêm điều hòa, máy tính, loa, laptop, sạc điện thoại… sẽ đưa tổng tiêu hao lên sát ngưỡng 350 kWh.

Theo Tổ chức Năng lượng Quốc tế (IEA), điện năng chờ chỉ chiếm 5–10% tổng tiêu thụ điện trong gia đình, thấp hơn nhiều so với các thiết bị tiêu thụ cao như điều hòa, bình nóng lạnh, máy giặt hay bếp từ. Tuy nhiên, con số này vẫn là một phần đáng kể, đặc biệt trong bối cảnh giá điện tăng và người dân có xu hướng tiết kiệm chi phí sinh hoạt.

Quan trọng hơn, những thiết bị ở chế độ chờ không chỉ tốn điện mà còn tiềm ẩn nguy cơ chập cháy nếu để cắm điện liên tục trong thời gian dài, đặc biệt là khi có mưa giông hoặc sét đánh.

Thói quen 'âm thầm' làm tăng hóa đơn tiền điện, đa số các gia đình hiện đại mắc phải
Việc cắm điện chờ cả ngày tưởng không lãng phí nhưng khi cộng gộp, có thể khiến hóa đơn tiền điện tăng bất ngờ. Ảnh minh họa

Các chuyên gia khuyến cáo người tiêu dùng nên thay đổi thói quen sử dụng điện để giảm thiểu điện năng chờ. Một số giải pháp đơn giản nhưng hữu hiệu gồm:

Tắt hoàn toàn nguồn các thiết bị không sử dụng thường xuyên như máy in, loa Bluetooth, TV phòng khách…

Sử dụng ổ cắm có công tắc để dễ dàng ngắt điện mà không cần rút phích cắm từng thiết bị.

Chọn mua thiết bị có chứng nhận tiết kiệm năng lượng, chẳng hạn như nhãn Energy Star. Các thiết bị này được thiết kế để tối ưu hóa mức tiêu thụ điện kể cả ở chế độ chờ.

Lắp đặt ổ cắm thông minh hoặc bộ hẹn giờ cho các thiết bị như đèn ngủ, router Wi-Fi, giúp tự động ngắt điện vào ban đêm.

Kích hoạt chế độ “deep sleep” hoặc “eco mode” nếu thiết bị có hỗ trợ, đặc biệt với router hoặc máy chủ NAS.

Khi đi xa dài ngày hoặc có mưa giông, nên rút hoàn toàn thiết bị khỏi ổ điện để đảm bảo an toàn cháy nổ và tránh hao phí điện.