Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 9/7 tại Bắc Kinh, ông Trịnh Sách Khiết, Chủ nhiệm Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC) đã điểm lại những thành tựu nổi bật của nước này trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 (2021-2025).

Ông cho biết hiện nay, nền kinh tế của Trung Quốc ngày càng phát triển vững mạnh. Tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình của Trung Quốc trong 4 năm đầu của giai đoạn này là 5,5%, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu luôn duy trì ở mức khoảng 30%.

GDP của Trung Quốc đã liên tiếp vượt các mốc 110.000 tỷ Nhân dân tệ (NDT) - tương đương 15.300 USD, 120.000 tỷ NDT (khoảng 16.700 tỷ USD) và 130.000 tỷ NDT (khoảng 18.100 tỷ USD) và dự kiến sẽ đạt khoảng 140.000 tỷ NDT (khoảng 19.500 tỷ USD) trong năm nay; mức tăng dự kiến vượt trên 35.000 tỷ NDT (khoảng 4.880 tỷ USD).

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới: ‘Cỗ máy’ sản xuất khổng lồ thống lĩnh toàn cầu suốt 15 năm liền
GDP của Trung Quốc giai đoạn 2000 - 2024 - Nguồn: Tác giả tổng hợp

“Năm nay, kinh tế Trung Quốc dự kiến ​​đạt khoảng 140.000 tỷ NDT; tổng mức tăng dự kiến ​​vượt 35.000 tỷ NDT. Điều này có tương đương với việc tạo thêm một Đồng bằng sông Dương Tử (Trường Giang), cũng tương đương với tổng sản lượng kinh tế của 3 tỉnh hàng đầu Trung Quốc là Quảng Đông, Giang Tô và Sơn Đông, đồng thời vượt tổng sản lượng kinh tế của quốc gia đứng thứ ba thế giới”, ông Khiết nhấn mạnh.

Được biết, GDP của Trung Quốc năm 2024 đạt 134.900 tỷ NDT (tương đương khoảng 18.400 tỷ USD, tính theo tỷ giá khi đó). Cũng theo quan chức này, dưới tác động của các rủi ro và thách thức từ bên ngoài, việc Trung Quốc duy trì được tốc độ tăng trưởng như trên là điều “chưa từng có trong lịch sử phát triển kinh tế”.

Trong lĩnh vực sản xuất, kể từ khi thực hiện Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 đến nay, mỗi năm giá trị gia tăng của ngành sản xuất Trung Quốc đã vượt trên 30.000 tỷ NDT (khoảng 4.200 tỷ USD).

Ông Khiết nhấn mạnh Trung Quốc là quốc gia sản xuất hàng đầu thế giới trong 15 năm liên tiếp, sản lượng của hơn 200 sản phẩm công nghiệp chủ lực đứng đầu thế giới. Những sản phẩm mà Trung Quốc không thể sản xuất ngày càng ít đi và những gì Trung Quốc làm ra ngày càng tốt hơn.

Về đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D), ông Khiết cho biết, giai đoạn 2021-2025, Trung Quốc đã đặt đổi mới sáng tạo vào vị trí quan trọng chưa từng có. Năm 2024, quy mô đầu tư toàn xã hội cho R&D đã tăng gần 50% so với cuối giai đoạn 2016-2020; tỷ trọng đầu tư R&D tăng lên 2,68%, gần với mức trung bình của các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới: ‘Cỗ máy’ sản xuất khổng lồ thống lĩnh toàn cầu suốt 15 năm liền
Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - Ảnh: Internet

Ông Viên Đạt, Tổng thư ký NDRC cho biết, Trung Quốc đã trải qua nhiều khó khăn và thách thức như những thay đổi mạnh mẽ của môi trường quốc tế trong 4 năm qua, dù vậy, nền kinh tế vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm là 5,5%, trong đó nhu cầu trong nước đóng góp trung bình 86,4% vào tăng trưởng kinh tế. Có thể nói, nếu không có thị trường trong nước mạnh mẽ, sẽ không có nền kinh tế Trung Quốc ổn định và tích cực.

Nhìn chung, trong 5 năm qua, Trung Quốc đã đạt được những tiến bộ vượt bậc, những thay đổi đột phá và những thành tựu mang tính lịch sử. Trung Quốc đã trở thành động lực phát triển ổn định, đáng tin cậy và tích cực nhất của thế giới.

Trong giai đoạn tiếp theo, các quan chức nước này nhấn mạnh, Trung Quốc sẽ đẩy nhanh xây dựng mô hình phát triển mới, đặt việc tăng cường “đại tuần hoàn trong nước” ở vị trí nổi bật hơn, kiên trì thực hiện chiến lược mở rộng nhu cầu trong nước, đẩy nhanh việc xây dựng hệ thống nhu cầu trong nước hoàn chỉnh, không ngừng kích thích và giải phóng tiềm năng của nhu cầu trong nước.