Giải mã sức mạnh của Tiktok shop

Một số liệu từ báo cáo Kỹ thuật số cuối năm 2022 của Tổ chức We Are Social, Việt Nam hiện có hơn 39,9 triệu người dùng TikTok trên 18 tuổi, tức hơn 55% người dùng Internet Việt Nam.

Lượt tải xuống của TikTok luôn giữ ở mức tăng trưởng cao. Theo dữ liệu của cơ quan nghiên cứu thị trường Apptopia, trong năm 2022, TikTok đứng đầu trong danh sách 10 ứng dụng được tải xuống nhiều nhất toàn cầu với 672 triệu lượt. Tiếp đó là Instagram ở vị trí số hai với 548 triệu và WhatsApp ở vị trí số ba với 424 triệu. Cùng với đó, lượt tải xuống của Facebook lại giảm mạnh.

Cùng với đó, TikTok đã chính thức vượt mặt Instagram, nằm trong top 4 nền tảng mạng xã hội phổ biến nhất tại Việt Nam.

Đặc biệt, vào tháng 4/2022, TikTok bắt đầu mở ứng dụng bán hàng “TikTok Shop”, ngay lập tức đây đã trở thành mảnh đất mới cho những nhà sáng tạo nội dung kiêm kinh doanh đa dạng kênh bán hàng.

Nhiều người có kinh nghiệm trong ngành thương mại điện tử (TMĐT) đã dự đoán sự bùng nổ của một kênh bán hàng mới. Nhưng cũng ít ai có thể tưởng tượng TikTok lại phát triển mạnh mẽ như hiện nay.

Quả thật như vậy, đã có rất nhiều người tận dụng cơ hội này để bắt đầu khởi nghiệp. Nhờ có thể tiếp cận người dùng thông qua việc cung cấp một nên tảng đầy tính giải trí, đã trở nên viral cực kỳ mạnh mẽ.

Trung bình mỗi ngày, TikTok Shop đạt doanh thu 56,6 tỷ đồng và 434.000 sản phẩm được bán ra, giá trị trung bình mỗi sản phẩm là 130.000 đồng. Phân khúc sản phẩm có giá trong khoảng 100.000 - 200.000 đồng đem lại mức doanh thu cao nhất cho các nhà bán hàng trên sàn TikTok Shop, chiếm 39% với 647 tỷ đồng trong một tháng.

Ngoài ra, theo bảng xếp hạng mới nhất của hệ thống lắng nghe và giám sát Reputa, TikTok Shop đã vượt qua Sendo và Tiki để trở thành sàn TMĐT phổ biến thứ ba trên mạng xã hội trong tháng 11/2022, chỉ đứng sau Lazada và Shopee.

Người dùng tìm đến tiktok như một phương tiện giải trí và họ vô thức trở thành khách mua hàng trên nền tảng. Những video giải trí lồng ghép nội dung bán hàng, những phiên livestream đầy cảm xúc thực sự là vũ khí "hạng nặng" của Tiktok, mà khó có nền tảng TMĐT nào hiện nay có được.

Tuy nhiên, việc bán hàng online càng khó khăn hơn với nhãn hàng mới, không có tên tuổi. Với TikTok việc này dễ dàng hơn nhờ sự kết hợp giữa Video/Livestream & KOC. Niềm tin của khách hàng với shop/nhãn hàng trở nên nhanh chóng hơn nhờ cầu nối KOC, cũng như việc khách hàng có cơ hội "trải nghiệm" sản phẩm sống động hơn qua video và "lời kể chân thật" của các KOC.

Một lợi thế mà khó nền tảng nào có được chính là Key USP (điểm bán hàng độc nhất) của họ, đó là Video/Livestream. Rõ ràng việc kinh doanh online nói chung và TMĐT nói riêng, ai cũng hiểu mấu chốt đó là xây dựng niềm tin từ khách hàng.

Ngoài ra, TikTok đã không ngần ngại chi lớn trong các chiến dịch Marketing của mình. Với sự hậu thuẫn về tài chính từ các tập đoàn mẹ phía sau, có thể đây là cách làm trực diện và hiệu quả nhất để giành giật thị trường từ các đối thủ cũ.

Thực tế đã chứng minh sự hiệu quả của chiến lược này. Khách hàng bị thuyết phục hoàn toàn bằng các Voucher hoàn tiền khủng, freeship toàn tập. Traffic ầm ầm đổ vào nền tảng, khiến các từ các Seller nhỏ lẻ, đến các brand nổi tiếng, cũng cảm thấy "nóng ruột" và lũ lượt đổ bộ vào.

Và khi sự cạnh tranh trở nên gay gắt hơn thì chính các nhãn hàng, Seller cũng tiếp tay với Tiktok với những chiêu bài cạnh tranh về giá. Ấy thế mới có chuyện nhiều đại lý, phân phối sỉ đứng lên than thở, thậm chí tố ngược nhãn hàng. Rốt cuộc, người được lợi vẫn là khách hàng, khi họ được cả hai chiều: giá tốt từ Seller/Nhãn hàng và cả Voucher giảm giá/freeship từ nền tảng Tiktok.

Cho đến nay, TikTok thực sự đang sở hữu mỏ vàng bởi họ đang sở hữu tệp khách hàng khủng. Không phải ngẫu nhiên, mà trong một báo cáo, Việt Nam là quốc gia xếp thứ 6 về lượng người dùng Tiktok.

Với số lượng dân số trẻ, nằm trong độ tuổi lao động, Việt Nam thực sự là mỏ vàng đối với Tiktok. Đặc điểm của những Gen Y, Gen Z, thậm chí trẻ hơn tại Việt Nam phù hợp với những gì Tiktok hướng đến. Đó là những con người trẻ, năng động, bắt kịp xu thế công nghệ nhanh và đặc biệt họ đã có sự tự chủ trong "tài chính".

Đại diện TikTok Việt Nam cho biết, ý tưởng của TikTok là bán hàng cho những người không có nhu cầu. Sau khi triển khai ý tưởng này, có những ngày, TikTok ghi nhận 700.000 - 800.000 người mua hàng ở Việt Nam; lượng người bán cũng lên tới con số vài chục ngàn.

Có thể thấy, cách làm của TikTok là tạo ra cơ hội cho cả người mua, người bán và nhà sản xuất, sao cho tất cả đều chỉ phải bỏ mức chi phí thấp nhất. Người bán và nhà sản xuất có thể hoàn toàn tập trung vào chuyên môn, không cần quan tâm đến marketing. Trong khi người mua sẽ mua được hàng với mức giá rẻ nhất.

TikTok shop có phá vỡ hệ thống kinh doanh truyền thống?

Với xu thế tiêu dùng hiện nay, Tiktok và mô hình "Entertainment-Shopping" tất nhiên sẽ là một xu hướng tất yếu. Nó sẽ chiếm một chỗ đứng quan trọng trong hệ thống kinh doanh nói chung, TMĐT nói riêng. Vật liệu TikTok có chiếm thế thượng phong, chiếm lĩnh thị trường phá vỡ hệ thống kinh doanh truyền thống?

Thực tế thời gian vừa qua mô hình kinh doanh truyền thống đang có dấu hiệu “đuối sức”,như hiện tượng các Trung tâm thương mại phải đóng cửa, các tiêu thương ở chợ vạ vật, kêu trời.

Thế nhưng, mô hình kinh doanh truyền thống vẫn có sức sống của riêng nó. Mặc dù vẫn có nhiều thông tin tiêu cực, như: TTTM này phải đóng cửa, tiểu thương ở chợ kia vật vã than trời... nhưng nhìn rõ hơn, đó chỉ là "nốt trầm" tạm thời.

Ở đất nước nào cũng vậy, nền kinh tế nào cũng thế, mỗi mô hình kinh doanh đều có lợi thế riêng của mình. Sàn TMĐT có những nét đặc trưng riêng và đồng thời, kênh đại lý, phân phối, cửa hàng bán lẻ vẫn có lợi thế của họ. Trong giai đoạn này, sự bùng nổ của Tiktok cộng hưởng nhiều yếu tố không có lợi cho kênh bán hàng truyền thống, khiến họ gặp khó khăn.

Tại thị trường Châu Âu và Châu Mỹ, TikTok đã nhận được nhiều phản hồi về việc không hài lòng với cách thức vận hành. Trong chuỗi cung ứng, các thương hiệu sẵn sàng mở một trạm độc lập tại Shopify hơn và chuỗi cung ứng thương mại điện tử TikTok chỉ có thể dựa vào Shopify, điều này có tác động lớn đến tốc độ mở rộng.

Vào nửa cuối năm 2021, TikTok Shop ở Anh đã mở cửa cho người bán Trung Quốc, tuy nhiên sau khi lượng lớn người bán tràn vào, do quản lý không chặt chẽ nên lượng lớn hàng giả tràn vào khiến người dùng khiếu nại về quyền lợi sự bảo vệ.

Thực tế cho thấy, khi các chợ truyền thống bị lực lượng chức năng “sờ gáy”, các đối tượng buôn bán hàng giả, hàng nhái đã tìm cách thay đổi hình thức kinh doanh là đưa hàng lên tiêu thụ tại các sàn thương mại điện tử, nền tảng mạng xã hội.

Vào cuối năm 2022, sau đoạn livestream bán mỹ phẩm “giá siêu hời”, chỉ rẻ bằng 1/4, 1/5 giá gốc của sản phẩm được bày bán ở gian hàng chính hãng, một TikToker có 2,6 triệu lượt theo dõi, bị nhiều người tố bán hàng giả, không rõ nguồn gốc.

Thậm chí, những hình ảnh được cho là của người này xuất hiện trong bài cảnh báo trên trang Facebook chính thức của 2 thương hiệu mỹ phẩm đình đám là Estee Lauder Vietnam và MAC Cosmetics với nội dung tình trạng hàng giả tràn lan trên TikTok Shop với lời mời chào chương trình khuyến mại rẻ bất ngờ, “hàng công ty”, “hàng cửa hàng miễn thuế”.

Tuy nhiên, việc xây dựng hệ thống bán lẻ rất tốn công sức nhưng mang lại sự bền vững và ổn định. Còn về phía TikTok, nếu như các nhãn hàng đặt niềm tin hoàn toàn vào họ với mô hình D2C trực tiếp người tiêu dùng (thông qua KOC, KOL) thì hệ lụy khá khôn lường.

Các phiên livestream gần đây của nhiều KOC, KOL nổi tiếng, giá sản phẩm trở nên rẻ mạt đến bất ngờ. Có người giải thích do họ cắt giảm được chi phí trung gian so với kênh truyền thống.

Tuy nhiên, cái giá mà họ đưa ra chắc chắn không đủ bù đắp chi phí hiện tại, cho dù đó là kênh online. Thậm chí, với cách nghĩ, "bán lỗ" để kéo khách, thì cách làm này cũng tồn tại nhiều bất cập. Đó là khi các nhãn hàng đã vô tình, hay cố ý, educate khách hàng một thói quen vô cùng nguy hại, là sale rẻ.

Đây rõ ràng là tư duy vô cùng nguy hiểm. Hệ quả gần nhất là từ đầu năm vừa rồi, khi cơ quan thuế vào cuộc, phải ngã ngửa và nuốt lệ vào trong, vì vô tình "bán lỗ" quá tay. Nói tóm lại, nếu cứ theo chiến lược hiện nay, các Seller/Nhãn hàng đang thực sự đang cùng nhau "đào hố chôn mình".

Chính vì thế, cách làm chạy theo giá như hiện nay, nhiều tổng kho, xưởng sản xuất, thậm chí các brand trẻ đang làm có thể mang lại hiệu quả tạm thời, ai cũng nhìn thấy. Nhưng sẽ rất khó bền vững, lâu dài dược.