Trong năm vừa qua, những từ ngữ như “ảm đạm”, “suy thoái”, “khủng hoảng niềm tin” chiếm trọn các mặt báo lớn khi tìm kiếm thông tin về nền kinh tế Trung Quốc. Tại tỉnh Hắc Long Giang, nhìn vào tỷ lệ sinh thấp, nhà ở rẻ nhưng vẫn ế, tăng trưởng kinh tế lờ đờ chỉ đạt 2,6% trong năm qua, không ít người cám cảnh cho “siêu cường châu Á” đang rơi vào vòng xoáy giảm phát.

Tuy nhiên, nhìn vào những rục rịch chuyển đổi đang xảy ra trong lực lượng sản xuất của Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình có vẻ đang có một kế hoạch lớn. Các chuyên gia kinh tế của tờ Economist so sánh kế hoạch này có thể đem lại tiềm năng lội ngược dòng suy thoái như thời kỳ Mở cửa thị trường năm 1978 ở Trung Quốc.

Kế hoạch tham vọng có thể giúp Trung Quốc ‘lật ngược thế cờ’, biến giấc mộng siêu cường thành hiện thực?
Ông Tập Cận Bình liệu có đưa nền kinh tế, xã hội Trung Quốc ra khỏi suy thoái?

Bí quyết thành công của cải cách là tập trung phát triển lực lượng sản xuất nhờ vào 2 trụ cột chính: huy động nguồn lao động khổng lồ và tích lũy vốn tư bản.

Lực lượng lao động của Trung Quốc đã tăng thêm 100 triệu người từ năm 1996 đến năm 2015. Bên cạnh đó, nguồn vốn tích lũy của nước này đã tăng từ 258% GDP vào năm 2001 và lên đến 349% trong hai thập kỷ sau đó. Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007- 2009, phần lớn sự tích lũy vốn này diễn ra dưới dạng tài sản và cơ sở hạ tầng mới.

Hiện nay 2 trụ cột này đều đang gặp vấn đề đáng lo ngại: lực lượng lao động của Trung Quốc hiện đang bị thu hẹp và nhu cầu về bất động sản sụt giảm. Ngày càng ít người chuyển đến các thành phố và làm giảm lợi nhuận đầu cơ từ bất động sản.

Những người mua nhà ngày càng mất niềm tin trầm trọng vào những tập đoàn và dự án bất động sản lớn, một điều tất yếu sau chuỗi khủng hoảng bom nợ của các ông lớn trong ngành.

Ngành bất động sản “đâm đầu đi xuống” cũng làm cho ngân sách địa phương co hẹp, vì ở Trung Quốc, thị trường nhà ở được thống trị bởi các công ty được chính quyền địa phương hậu thuẫn.

Ngay cả sau khi Trung Quốc từ bỏ các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt về Covid-19, quá trình phục hồi kinh tế vẫn diễn ra chậm chạp và không đồng đều. Tiêu dùng, một trong 4 biến số quan trọng của Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), chưa đủ mạnh để kéo căng công suất của lực lượng sản xuất hiện có. Kết quả là, tình trạng giảm phát đã kéo dài ba quý liên tiếp.

Đầu tư vào công nghệ - kế “sâu rễ bền gốc”?

Ở giai đoạn tăng trưởng phát triển, khu vực trọng điểm của các nền kinh tế khác thường xoay quanh dịch vụ.

Nhưng ở Trung Quốc thì khác, đại dịch đã thúc đẩy nhu cầu đối với hàng hóa sản xuất của Trung Quốc, từ khẩu trang phẫu thuật đến xe đạp tập thể dục. Các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ đối với các loại “Công nghệ huyết mạch”* cũng tạo ra nhu cầu về các giải pháp thay thế trong nước.

(Chú thích: * “Công nghệ huyết mạch” - Chokepoint technology: Theo định nghĩa của Harvard Business Review, công nghệ trọng yếu, hay còn được coi là điểm chết, của một ngành là một phần trong chuỗi cung ứng, một tác nhân tham gia mạng lưới kinh tế mà sự tắc nghẽn ở điểm này có thể gây tê liệt toàn bộ hệ thống.

Ví dụ: CNTT Tài chính toàn cầu dựa vào SWIFT (Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu) đặt trụ sở ở Bỉ để chuyển tiếp phần lớn giao dịch giữa các ngân hàng. Cơ sở lưu trữ thông tin của điện toán đám mây thường được đặt tại Hoa Kỳ. Chuỗi cung ứng phức tạp có thể tê liệt nếu kênh đào Suez tắc nghẽn, .v.v. )

Kế hoạch tham vọng có thể giúp Trung Quốc ‘lật ngược thế cờ’, biến giấc mộng siêu cường thành hiện thực?
Trung Quốc đặt ra tham vọng tự sản xuất thay thế được các “Công nghệ huyết mạch” này để độc lập khỏi hệ thống quyền lực kinh tế của Mỹ

Để cải tiến hệ thống kinh tế phức tạp và khép kín của mình, Trung Quốc từ lâu đã áp dụng nhiều chính sách hữu ích. Ví dụ, Bộ Giáo dục nước này gần đây đã phê duyệt một chương trình đào tạo đại học mới tập trung vào khoa học và kỹ thuật bán dẫn cao cấp. Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, chi tiêu của Trung Quốc cho các chính sách công nghiệp rõ ràng hơn, bao gồm trợ cấp, giảm thuế và tín dụng giá rẻ, lên tới 1,7% GDP vào năm 2019.

Bà Tilly Zhang, Giám đốc công ty tư vấn Gavekal Dragonomics cho biết: “Điều mà Trung Quốc thực sự muốn trở thành là người dẫn đầu cuộc cách mạng công nghiệp tiếp theo”. Điều đó sẽ đòi hỏi nước này phải nâng cấp các ngành công nghiệp truyền thống, phá vỡ sự kiểm soát của nước ngoài đối với các mạng lưới công nghệ hiện có và tạo ra con đường mới cho các ngành công nghiệp của tương lai.

Kế hoạch tham vọng có thể giúp Trung Quốc ‘lật ngược thế cờ’, biến giấc mộng siêu cường thành hiện thực?
Người dân Trung Quốc giảm tiêu dùng, ít đầu tư bất kì tài sản nào ngoài vàng

Mặc dù tham vọng của Chính phủ rất ấn tượng, nhưng khâu vận hành sẽ còn yêu cầu nhiều sự phối hợp với những chính quyền địa phương vốn đang thiếu tiền mặt và các doanh nghiệp tư nhân thiếu niềm tin.

Bên cạnh đó, tác động kinh tế thực sự của những thành tựu này khó đo lường. Các chuyên gia của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc từng than thở rằng các tiêu chí để đánh giá ngành ở cấp độ sản phẩm là khá “mơ hồ”. Làm thế nào để đo lường và khẳng định nồi hơi được coi là “tiết kiệm năng lượng” hay vật liệu composite được coi là “hiệu suất cao”?

Tuy nhiên, các nhà thống kê của Trung Quốc ước tính rằng các ngành công nghiệp mới nổi chiến lược chiếm 13,4% GDP vào năm 2021, tăng từ 7,6% năm 2014 nhưng thấp hơn mục tiêu ban đầu cho năm 2020 là 15%. Để so sánh, giá trị gia tăng của hoạt động xây dựng bất động sản và dịch vụ (bỏ qua các liên kết thượng nguồn với thép, quặng sắt và các ngành tương tự khác) là khoảng 12%. Tóm lại, tăng trưởng của các ngành này là có nhưng tốc độ chỉ bằng nửa dự kiến.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc rõ ràng chưa hài lòng với kết quả này. Những đòn đánh thương mại của Mỹ vẫn để lại vết hằn bỏng rát trên nền kinh tế tỷ dân này.

Trung Quốc biết mình vẫn đang là một người chơi phụ thuộc vào “nhà cái” trong canh bạc AI và bán dẫn. Khi Chat GPT của OpenAI tạo nên cơn sốt toàn cầu, bước đột phá của Mỹ đã khiến cho các lãnh đạo và tư lệnh ngành Trung Quốc bàng hoàng.

Với tâm thế lo lắng, chính quyền đã quyết tâm xốc lại và dùng biện pháp mạnh để thúc đẩy nền kinh tế công nghệ. Vào năm 2021, một làn sóng điều tra cáo buộc về vi phạm quy định xử lý dữ liệu, cản trở cạnh tranh và bóc lột lao động tự do đã quét qua các công ty công nghệ của nước này.

Cơn bão quy định này nhằm vào các công ty “nền tảng” hướng tới người tiêu dùng, chẳng hạn như Alibaba và Meituan, thay vì các nhà sản xuất tiên tiến hoặc các công ty khác trong lĩnh vực “công nghệ cứng”. Tuy nhiên, thiệt hại đối với niềm tin của nhà đầu tư là khó có thể khắc phục được. Kho dữ liệu khổng lồ chẳng thể hút các nhà đầu tư AI như Chính phủ mong đợi. Các công ty Internet lớn xứ Trung đã cắt giảm chi tiêu cho R&D gần 7% trong nửa đầu năm 2023, so với một năm trước đó.