Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đang được kỳ vọng sẽ tạo nên cú hích cho nền kinh tế Việt Nam trong nhiều thập niên tới.
Với tổng mức đầu tư ước tính lên tới 67 tỷ USD, đây được xem là một trong những dự án hạ tầng quy mô lớn nhất lịch sử, có tầm vóc quốc gia.
Giữa bối cảnh đó, việc một doanh nghiệp tư nhân như VinSpeed chủ động đề xuất tham gia đầu tư toàn tuyến đã làm dấy lên nhiều câu hỏi: Vì sao VinSpeed lại muốn "ôm trọn" dự án? Phải chăng doanh nghiệp này được hưởng "đặc quyền, đặc lợi"?
![]() |
Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam được xem là công trình giao thông trọng điểm quốc gia. Ảnh minh họa |
Trước những thắc mắc này, bà Đào Thụy Vân - Phó Tổng giám đốc VinSpee đã thẳng thắn chia sẻ trên báo Thanh Niên:
"Chia lợi thì được chứ 'chia lửa' thì ai nhận? Như tôi đã chia sẻ, đây là dự án cống hiến, chúng tôi muốn triển khai vì khát khao đóng góp cho đất nước chứ không phải chỉ để tìm kiếm lợi nhuận. Do đó, nếu có doanh nghiệp cùng chí hướng, chúng tôi rất sẵn sàng hợp tác để cùng nhau phát triển ngành công nghiệp đường sắt cao tốc, góp phần thúc đẩy kinh tế Việt Nam".
Sứ mệnh "dọn đường" cho doanh nghiệp Việt
Thực tế, việc VinSpeed tiên phong đề xuất đầu tư đường sắt cao tốc Bắc - Nam không phải là một "đặc ân", càng không phải một "canh bạc đầu cơ đất vàng" như nhiều nghi ngại.
Đường sắt tốc độ cao là lĩnh vực đòi hỏi công nghệ phức tạp, nguồn vốn lớn và thời gian hoàn vốn rất dài, trong khi suất sinh lời tài chính không thể so sánh với các lĩnh vực hấp dẫn khác như bất động sản, thương mại hay sản xuất ô tô điện.
![]() |
Để triển khai dự án siêu đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, VinSpeed chấp nhận đứng ra huy động vốn vay quốc tế gần 50 tỷ USD, không xin hỗ trợ tài chính từ ngân sách Nhà nước. Ảnh minh họa |
Để thực hiện được dự án, VinSpeed chấp nhận đứng ra huy động vốn vay quốc tế gần 50 tỷ USD, không xin hỗ trợ tài chính từ ngân sách Nhà nước.
Doanh nghiệp này cũng khẳng định sẽ trả tiền sử dụng đất đầy đủ, sòng phẳng như mọi nhà đầu tư khác, nếu triển khai các khu đô thị vệ tinh quanh nhà ga, lấy nguồn thu bổ trợ để giảm áp lực tài chính.
Việc VinSpeed dấn thân vào một “cuộc chơi” lớn hơn rất nhiều so với lợi ích doanh nghiệp thuần túy, trên thực tế, là một bước đi mang tính chiến lược quốc gia.
Việt Nam hiện chưa có doanh nghiệp nội địa nào đủ kinh nghiệm thực tiễn trong lĩnh vực đường sắt tốc độ cao. Việc VinSpeed trở thành đơn vị tiên phong thử sức, chấp nhận “đốt vốn”, xây dựng đội ngũ kỹ sư, chuyên gia, từng bước làm chủ công nghệ, từ đó đặt nền móng cho ngành công nghiệp đường sắt cao tốc nội địa được cho là bước đi táo bạo.
Hành động này không khác gì việc Vingroup từng khởi động VinFast trong bối cảnh sản xuất ô tô còn là "sân chơi ngoại", hay như cách doanh nghiệp này chấp nhận đầu tư vào các ngành khó như dược phẩm, trí tuệ nhân tạo, công nghệ pin. Về bản chất, VinSpeed đang thực hiện vai trò "kẻ mở đường" – chấp nhận đi trước, đối mặt rủi ro, tạo ra năng lực nội tại cho cả hệ sinh thái doanh nghiệp Việt trong dài hạn.
Sẵn sàng "chung tay" với các doanh nghiệp khác
Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam không phải là dự án của một thế hệ doanh nhân, mà là dự án của cả một quốc gia trong vòng 50-100 năm tới. Những giá trị mà dự án này mang lại – từ hạ tầng giao thông hiện đại, thúc đẩy liên kết vùng, giảm tải hàng không, phát triển logistics, cho đến nâng tầm chuỗi giá trị sản xuất công nghiệp – sẽ tạo ra những lợi ích vượt xa phạm vi của một doanh nghiệp đơn lẻ.
Chính vì thế, lời khẳng định của bà Đào Thụy Vân không đơn thuần là một phát ngôn PR doanh nghiệp, mà là một tuyên ngôn trách nhiệm:
"Nếu có doanh nghiệp cùng chí hướng, chúng tôi rất sẵn sàng hợp tác để cùng nhau phát triển ngành công nghiệp đường sắt cao tốc, góp phần thúc đẩy kinh tế Việt Nam".
Điều này cho thấy, VinSpeed không "độc quyền", càng không "đặc quyền", mà chỉ đang đi trước để "dọn đường". Cánh cửa luôn rộng mở với những doanh nghiệp Việt Nam khác sẵn sàng chung tay.
Trong bối cảnh Việt Nam đang khát khao có những "Samsung Việt", "Toyota Việt” trong lĩnh vực công nghiệp hạ tầng, sự tiên phong của VinSpeed là một phép thử quan trọng. Dám dấn thân, dám chịu lỗ giai đoạn đầu, nhưng bền bỉ đầu tư cho năng lực cốt lõi quốc gia – đó mới là giá trị thực sự của doanh nghiệp tư nhân trong giai đoạn phát triển mới.
Vì thế, câu hỏi đặt ra không phải là "VinSpeed có đặc quyền gì?" mà là: Các doanh nghiệp Việt liệu có dám chung tay đi cùng một con đường dài hạn, nhiều thử thách, nhưng cũng là con đường để nâng tầm vị thế quốc gia trong kỷ nguyên vươn mình hay không?
VinSpeed là thành viên thuộc hệ sinh thái Tập đoàn Vingroup (VIC), được thành lập với mục tiêu phát triển các dự án hạ tầng giao thông hiện đại, trong đó trọng tâm là đường sắt tốc độ cao. Doanh nghiệp định hướng trở thành đơn vị tiên phong trong việc nghiên cứu, đầu tư và vận hành các tuyến đường sắt cao tốc tại Việt Nam, góp phần thúc đẩy công nghiệp hóa ngành vận tải, giảm phụ thuộc vào nhà thầu nước ngoài. Ngoài dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, VinSpeed còn tham gia các đề án kết nối giao thông trọng điểm liên vùng, hướng tới phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế Việt Nam. Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam đã được Quốc hội chốt chủ trương đầu tư vào tháng 11/2024. Tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có chiều dài 1.541km, điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (Hà Nội) và điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (TP. HCM), đi qua 20 tỉnh thành với tổng vốn đầu tư khoảng 67 tỷ USD. Toàn tuyến được đầu tư khổ đôi 1.435mm với tốc độ thiết kế 350km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; có 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa; vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết. Dự án này dự kiến khởi công vào năm 2027. |