Kinh tế 6 tháng đầu năm khởi sắc

Theo số liệu vừa công bố, kinh tế Việt Nam quý II/2024 tiếp tục khởi sắc sau đà tăng trưởng trong quý I. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II tăng tới 6,93%.

Trong đó, khu vực công nghiệp và xây dựng phục hồi tích cực, đặc biệt là ngành công nghiệp chủ lực chế biến, chế tạo; khu vực nông, lâm, thủy sản và dịch vụ vẫn duy trì ổn định.

Tổng cục Thống kê dự báo, kinh tế Việt Nam sẽ có cơ hội phục hồi tích cực hơn nếu các chính sách hỗ trợ được ban hành trong năm 2023 sẽ có tác động rõ nét hơn vào nền kinh tế (Ảnh minh hoạ)

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II tăng tới 6,93%.

Về nguyên nhân, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê chỉ rõ trong 6 tháng đầu năm, cả hệ thống chính trị đã có những giải pháp ứng phó, thích ứng linh hoạt, kịp thời trước các vấn đề phát sinh. Qua đó, tháo gỡ được nhiều vướng mắc đồng thời bảo đảm hài hòa giữa xử lý tình huống trong ngắn hạn và phát triển trong trung, dài hạn.

Ngoài ra, nhu cầu tại các thị trường lớn đang được cải thiện, nhu cầu hàng hóa tăng lên, nhiều doanh nghiệp lớn trong nước đã có đơn hàng mới, vì thế hoạt động sản xuất nội địa từ đó được thúc đẩy và hoạt động xuất, nhập khẩu sôi động trở lại.

Đầu tư công tiếp tục được quan tâm và đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân ngay từ những tháng đầu năm; thúc đẩy, thu hút vốn FDI tăng trưởng tốt, giúp tăng năng lực, mở rộng sản xuất trong nước, tạo công ăn việc làm, cải thiện thu nhập cho người lao động... đồng thời tạo nền tảng về kết cấu hạ tầng để phục vụ phát triển nhanh và bền vững trong dài hạn.

Theo lãnh đạo Tổng cục Thống kê nhu cầu nội địa từng bước phục hồi dù chưa đạt như kỳ vọng. Chính phủ đang gia hạn nhiều loại thuế, giảm 50% thuế bảo vệ môi trường được thực hiện từ đầu năm, giảm thuế suất VAT 2%...

Tuy vậy, kinh tế Việt Nam nhìn chung vẫn còn không ít thách thức. Mặt bằng giá cả trong nước vẫn ở trong tầm kiểm soát nhưng cũng đang tạo áp lực lên chỉ số giá trong nước do điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý theo lộ trình như điện, dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế; mối lo ngại về căng thẳng địa chính trị, cuộc xung đột ở Biển Đỏ, Nga - Ukraina khiến giá hàng hóa, giá xăng dầu, giá cước vận tải tăng...; rủi ro tỷ giá cùng với việc đẩy mạnh nhập khẩu để phục vụ sản xuất sẽ gây áp lực lên giá nguyên liệu đầu vào.

Trong khi đó, nội lực của nền kinh tế chưa mạnh. Các doanh nghiệp sản xuất chế biến, chế tạo tuy tăng trưởng tốt nhưng mức độ bền vững còn hạn chế và chưa đồng đều giữa các ngành.

“Khó khăn trong sản xuất còn tiềm ẩn do cầu trong nước và quốc tế chưa khôi phục hoàn toàn; các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay để phục vụ sản xuất kinh doanh”, bà Hương nói.

Theo bà Hương, thị trường bất động sản có tín hiệu phục hồi nhưng còn khó khăn nhất là về quy trình, thủ tục phát triển các dự án nhà ở xã hội; doanh nghiệp bất động sản tiếp tục đối mặt khó khăn về thanh khoản, dòng tiền.

Còn nhiều khó khăn, thách thức

Bà Nguyễn Thị Hương cho rằng nếu không có biến động lớn, có khả năng Việt Nam sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm 2024 trong khoảng 6 - 6,5%.

Tuy nhiên, theo bà Hương để đạt mức tăng trưởng cận trên khoảng 6,5% vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.

Theo đó, cần tiếp tục thực hiện những giải pháp quyết liệt nhằm duy trì ổn định tình hình kinh tế - chính trị - xã hội; đảm bảo các cân đối vĩ mô; kiểm soát tốt lạm phát; phát huy hiệu quả, linh hoạt các chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ…

Kinh tế quý II vượt kỳ vọng, GDP 2024 sẽ về đích
Bà Nguyễn Thị Hương.

Bà Hương đề nghị các ngành, lĩnh vực cần bám sát tình hình sản xuất kinh doanh để chủ động ứng phó với rủi ro phát sinh. Theo đó, các ngành cần tập trung vào các chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải phóng nguồn lực cho khu vực doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và các ngành dịch vụ thị trường; ngành điện đảm bảo cung ứng đầy đủ cho sản xuất và tiêu dùng.

Ngoài ra, cần lưu ý tăng cường gắn kết lưu thông với sản xuất, đẩy mạnh liên kết chuỗi nhằm kết nối cung cầu; đảm bảo phân phối sản phẩm hàng hóa gắn với quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm; thúc đẩy mạnh mẽ mô hình chuỗi liên kết phát triển nông nghiệp gắn với công nghiệp và xuất khẩu.

Bên cạnh đó các ngành, lĩnh vực cần tiếp tục tìm kiếm và tích cực mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, chủ động áp dụng khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và tính cạnh tranh, xây dựng các kênh phân phối sản phẩm, mở rộng việc tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử, từ đó thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa trong nước và xuất khẩu.

“Các ngành cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số nhằm nâng cao năng suất lao động, tạo ra các sản phẩm mới giúp ngành công nghiệp hỗ trợ, phụ trợ phát triển, thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới (kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức và các lĩnh vực mới nổi như chíp, bán dẫn, AI…)”, bà Hương chia sẻ.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cũng nhấn mạnh cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công; đặc biệt sát sao kiểm tra, giám sát thực hiện hiệu quả vốn đầu tư công để đảm bảo hoàn thành mục tiêu và lan tỏa tới các ngành kinh tế khác.

Các dự án sắp hoàn thành cần được kích cầu đầu tư, nhanh chóng đưa vào sử dụng các dự án có quy mô, có tiềm năng, góp phần trực tiếp duy trì và mở rộng năng lực sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp và nền kinh tế; đẩy mạnh triển khai các hoạt động kích cầu tiêu dùng nội địa tại các địa phương có các sản phẩm đặc thù, lợi thế; tranh thủ tối đa cơ hội, xu hướng phục hồi của các thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu…