Tiếp theo câu chuyện của Công ty kiểm toán TTP và AVA trong bài viết "Vừa lĩnh án đình chỉ, một công ty lại sắp sửa kiểm toán cho doanh nghiệp niêm yết?", bài toán đang đặt ra dang dở đó là: hoạt động của TTP và AVA tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán nhưng việc họ được tiếp tục kiểm toán cho những hợp đồng đã ký và ký mới với doanh nghiệp có đúng?

Trong cả 2 trường hợp TTP và AVA, văn bản hướng dẫn của Cục Quản lý Giám sát Kế toán, Kiểm toán cho thấy các công ty kiểm toán đã bị đình chỉ vẫn có cơ hội được hoạt động kiểm toán với đã ký. Căn cứ mà Cục này đưa ra là theo Nghị định 84/2016/NĐ-CP.

Căn cứ pháp lý nào áp dụng cho các công ty kiểm toán bị đình chỉ?

Ngày 04/12/2013, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 183/2013/TT-BTC về kiểm toán độc lập đối với đơn vị có lợi ích công chúng. Thông tư 183 gồm các ý lớn là: tiêu chuẩn, điều kiện cấp phép đối với các kiểm toán viên, công ty kiểm toán thực hiện kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng, các trường hợp đình chỉ, hủy bỏ tư cách; nghĩa vụ kiểm toán viên, công ty kiểm toán; giám sát, kiểm tra chất lượng; báo cáo minh bạch; trách nhiệm của doanh nghiệp có lợi ích công chúng…

Theo khoản 5 Điều 13 Thông tư 183, Tổ chức kiểm toán, kiểm toán viên hành nghề bị đình chỉ hoặc bị hủy bỏ tư cách được chấp thuận kiểm toán không được tiếp tục thực hiện các hợp đồng kiểm toán và các dịch vụ bảo đảm khác đã ký, không được ký thêm các hợp đồng mới với đơn vị có lợi ích công chúng kể từ ngày quyết định đình chỉ tư cách hoặc hủy bỏ tư cách có hiệu lực.

Đồng thời, khoản 3 Điều 17 thông tư này cũng yêu cầu công ty có lợi ích công chúng phải “Chấm dứt việc thực hiện hợp đồng kiểm toán đã ký với tổ chức kiểm toán được chấp thuận trong trường hợp tổ chức kiểm toán đó bị đình chỉ hoặc bị hủy bỏ tư cách được chấp thuận kiểm toán hoặc trong trường hợp tổ chức kiểm toán đó không còn là tổ chức kiểm toán được chấp thuận. Lựa chọn tổ chức kiểm toán và kiểm toán viên hành nghề được chấp thuận khác để thực hiện kiểm toán các báo cáo quy định tại Điều 5 của Thông tư này.”

Vậy, vấn đề đặt ra là, Thông tư 183 còn hiệu lực hay không?

Câu trả lời là còn.

Mặc dù Nghị định 84 ra đời sau (năm 2016), nhưng Nghị định này hướng dẫn về tiêu chuẩn, điều kiện đối với kiểm toán viên hành nghề, tổ chức kiểm toán được chấp thuận kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng. Trong khi đó, Thông tư 183 nói về việc Kiểm toán đơn vị có lợi ích công chúng. Trong Nghị định 84 cũng không có nội dung nào phủ nhận hiệu lực của Thông tư 183.

Các văn bản dẫn chiếu khác của Bộ Tài chính cũng cho thấy, Thông tư 183 đến thời điểm này vẫn còn hiệu lực.

Cụ thể, Quyết định số 1859/QĐ-BTC ngày 31/8/2016 (gần 2 tháng sau khi Nghị định 84 được Ban hành) về việc Công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật về điều kiện đầu tư kinh doanh hết hiệu lực một phần thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tài chính, ký bởi Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu cho biết Thông tư 183/2013/TT-BTC hết hiệu lực Điều 6, 7,8, 10, 11 do bị thay thế bởi Nghị định 84/2016/NĐ-CP.

Như vậy, các điều còn lại của Thông tư 183 vẫn còn hiệu lực, trong đó có các quy định liên quan đến việc công ty kiểm toán không được tiếp tục thực hiện các hợp đồng kiểm toán và các dịch vụ bảo đảm khác đã ký, không được ký thêm các hợp đồng mới với đơn vị có lợi ích công chúng kể từ ngày quyết định đình chỉ tư cách hoặc hủy bỏ tư cách có hiệu lực, chứ không phải chỉ là không được xem xét chấp thuận tiếp cho năm sau đó.

Một căn cứ dẫn chiếu nữa cho thấy Thông tư 183 vẫn còn hiệu lực là Thông tư số 40/2022/TT-BTC ngày 29/6/2022 của Bộ Tài chính quy định về giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính. Điểm 1 khoản 2 Điều 22 Thông tư này quy định “Danh sách doanh nghiệp kiểm toán được lập, công bố theo quy định tại Thông tư số 203/2012/TT-BTC ngày 19/11/2012 của Bộ Tài chính về trình tự, thủ tục cấp, quản lý, sử dụng chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán, Thông tư số 183/2013/TT-BTC ngày 4/12/2013 của Bộ Tài chính về kiểm toán độc lập đối với đơn vị có lợi ích công chúng…”

Như vậy, Theo Thông tư này, Thông tư 183 vẫn là một căn cứ quan trọng trong hoạt động giám định tư pháp của Bộ Tài chính trong lĩnh vực này.

Những hệ lụy khó lường khi cho phép công ty kiểm toán bị đình chỉ tiếp tục kiểm toán doanh nghiệp niêm yết

Thông tư 183 cho thấy, trừ các trường hợp tự nguyện, các công ty kiểm toán bị đình chỉ kiểm toán thường sẽ ở trong tình trạng vi phạm nghiêm trọng, đến mức phải đình chỉ, ngừng ngay hoạt động cung cấp dịch vụ; trong khi các công ty kiểm toán không được xem xét chấp thuận tiếp sẽ có lỗi vi phạm ở mức độ nhẹ hơn. Sẽ có phân loại tiêu chí và các trường hợp rơi vào không xem xét chấp thuận và bị đình chỉ, tước giấy phép.

Việc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã thực hiện công tác kiểm tra và cập nhật liên tục tình trạng công ty kiểm toán, kiểm toán viên bị đình chỉ cho thấy sự quyết liệt của cơ quan này trong việc kiểm soát nhằm duy trì chất lượng hoạt động kiểm toán trong lĩnh vực chứng khoán.

Thế nhưng, việc Cục Quản lý Giám sát Kế toán, Kiểm toán hướng dẫn công ty kiểm toán như trên dẫn đến việc doanh nghiệp kiểm toán bị đình chỉ và doanh nghiệp kiểm toán không được ký tiếp bị chịu mức phạt như nhau, mất đi tính răn đe của pháp luật.

Điều đáng nói hơn là, những công ty đã ký báo cáo tài chính năm được kiểm toán bởi các công ty bị đình chỉ, nhưng tiếp tục kiểm toán BCTC năm theo hướng dẫn của Cục, nếu xảy ra các sai sót trọng yếu tiếp sau đó, thì sẽ xử lý như thế nào?

Văn bản pháp luật vẫn còn hiệu lực từng phần là Thông tư 183 với các quy định rất đầy đủ lại bị bỏ qua và thay vào đó là cho phép công ty kiểm toán bị đình chỉ kiểm toán theo Nghị định 84 với 2 điều kiện như văn bản của Cục Quản lý Giám sát Kế toán, Kiểm toán. Thị trường chứng khoán cần một tiếng nói khách quan, công tâm, phù hợp với thực tế vận hành và các văn bản quy phạm pháp luật.

Công chúng đầu tư đã đặt niềm tin nơi cơ quan quản lý để có được một đơn vị độc lập, có năng lực chuyên môn, có đạo đức nghề nghiệp, công tâm… thay họ giám sát chất lượng hạch toán báo cáo tài chính, để từ đó nhìn được thực trạng doanh nghiệp. Thế nhưng, việc công ty đại chúng lựa chọn tiếp tục sử dụng dịch vụ kiểm toán của công ty kiểm toán bị đình chỉ khiến niềm tin về trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, tính độc lập, khách quan của hoạt động này bị lung lay. Bởi vì, đa số các trường hợp, đó là nguyên nhân dẫn đến bị đình chỉ.

Một báo cáo tài chính kiểm toán kiểm toán mà người tiếp nhận phải lo lắng đặt câu hỏi liệu có đúng không, thì liệu ai sẽ còn dám đầu tư vào?