Mới đây, Cục Thống kê Lao động Mỹ (BLS) cho biết họ đã vô tình công bố dữ liệu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sớm hơn 30 phút so với dự kiến vào thứ Tư (14/5).

“Trước khi công bố chỉ số CPI và dữ liệu thu nhập thực tế, BLS đã vô tình tải một phần của các tập tin lên trang web trước thời gian dự kiến khoảng 30 phút”, BLS cho trong một tuyên bố.

Cơ quan này thường công bố báo cáo hàng tháng về giá tiêu dùng vào lúc 8:30 sáng (theo giờ địa phương) và phải tuân theo các quy trình nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn việc phổ biến báo cáo sớm.

Các số liệu này được các nhà đầu tư Phố Wall và các quan chức Ngân hàng Trung ương theo dõi chặt chẽ khi họ tìm kiếm các tín hiệu về hướng đi của nền kinh tế.

Lạm phát của Mỹ 'vô tình' bị công bố sớm 30 phút, nghi vấn dữ liệu kinh tế 'nhạy cảm nhất thế giới' bị rò rỉ
Ảnh minh họa

Trước đó, một nguồn tin cho hay một nhà kinh tế từ BLS đã trao đổi dữ liệu liên quan đến một thước đo lạm phát quan trọng của Mỹ với các công ty hàng đầu phố Wall như JPMorgan Chase và BlackRock, nảy sinh câu hỏi về khả năng tiếp cận thông tin kinh tế một cách công bằng.

Vào tháng 12/2022, hợp đồng tương lai chứng khoán Mỹ đã tăng điểm vài giây trước khi dữ liệu lạm phát tốt hơn mong đợi xuất hiện trên trang web BLS. Điều này đã dẫn đến lo ngại về khả năng bị rò rỉ thông tin hoặc bị hack.

BLS cho biết vào thời điểm đó họ không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy hệ thống của họ bị xâm phạm hoặc có bất kỳ hoạt động đáng ngờ nào xung quanh việc công bố dữ liệu.

Cơ quan chịu trách nhiệm về báo cáo lạm phát cho biết họ đã thông báo cho Văn phòng Quản lý và Ngân sách Mỹ (OMB) và Văn phòng Tổng Thanh tra Bộ Lao động Mỹ về vụ việc.

Cơ quan này cho biết: “BLS rất coi trọng vấn đề bảo mật dữ liệu của mình và đang tiến hành một cuộc điều tra đầy đủ về các thủ tục cũng như biện pháp kiểm soát để đảm bảo sự cố không tái diễn”.