CGTN đưa tin, Trung Quốc đã chứng kiến ​​một khoảnh khắc lịch sử với việc hoàn thành và vận hành thiết bị “tokamak” siêu dẫn nhiệt độ cao hoàn toàn đầu tiên trên thế giới tại thành phố Thượng Hải vào hôm 18/6.

Thiết bị mang tên HH70 đánh dấu bước nhảy vọt đáng kể trong phát triển công nghệ nhiệt hạch toàn cầu cho năng lượng sạch.

Láng giềng Việt Nam đạt đột phá về ‘mặt trời nhân tạo’, lập kỳ tích chưa nước nào làm được
Hình ảnh thiết bị tokamak siêu dẫn nhiệt độ cao hoàn toàn đầu tiên trên thế giới mang tên HH70. Ảnh: CGTN

Được biết các thiết bị Tokamak, hay còn gọi là "mặt trời nhân tạo", thường có kích thước khá lớn và đắt tiền. Nhưng HH70, do công ty Energy Singularity (ES) thiết kế và chế tạo, lại nhỏ gọn hơn và có chi phí sản xuất thấp - mở đường cho việc phát triển các lò phản ứng nhiệt hạch có tính khả thi về mặt thương mại hơn trong tương lai.

Theo Guo Houyang, nhà đồng sáng lập và Giám đốc kỹ thuật (CTO) của ES, HH70 sở hữu hệ thống từ tính được chế tạo từ vật liệu siêu dẫn nhiệt độ cao. Đây là hệ thống từ tính đầu tiên trên toàn cầu.

Công ty đã đạt được kỳ tích này trong vòng 2 năm, lập kỷ lục thế giới về việc phát triển và chế tạo thiết bị tokamak siêu dẫn nhanh nhất.

Việc vận hành thành công HH70 đánh dấu một cột mốc quan trọng đối với Trung Quốc. Nó là một bước tiến lớn trong việc xác minh tính khả thi về mặt kỹ thuật của tokamak siêu dẫn nhiệt độ cao, hướng tới một tương lai năng lượng sạch và bền vững.

Láng giềng Việt Nam đạt đột phá về ‘mặt trời nhân tạo’, lập kỳ tích chưa nước nào làm được
Sự kiện này đánh dấu một bước tiến đột phá trong công nghệ nhiệt hạch, mở ra tiềm năng to lớn cho nguồn năng lượng sạch và dồi dào trong tương lai. Ảnh: CGTN

Báo cáo Năng lượng Thế giới (World Energy Outlook) cho biết, nhu cầu năng lượng toàn cầu sẽ tăng hơn 10% vào năm 2050 khi nguồn nhiên liệu hóa thạch dần cạn kiệt. Đây là cơ hội và cũng là thách thức to lớn đối với việc chế ngự năng lượng nhiệt hạch hạt nhân có kiểm soát.

Theo ông Guo, trong vài năm qua, những đột phá trong vật liệu siêu dẫn nhiệt độ cao và các công nghệ khác đã giúp phát triển tokamak ngày càng hiệu quả về mặt kinh tế. Tokamak là một cỗ máy thí nghiệm được thiết kế để khai thác năng lượng nhiệt hạch.

Ông nói thêm rằng, nhiệt hạch hạt nhân có kiểm soát sẽ cung cấp giải pháp năng lượng sạch và bền vững có thể giúp chống lại biến đổi khí hậu và cạn kiệt tài nguyên.

Đến năm 2027, Energy Singularity đặt mục tiêu xây dựng tokamak thế hệ tiếp theo, với mô hình siêu dẫn nhiệt độ cao, từ trường cao và trạng thái ổn định. Dự án này sẽ đặt nền móng cho việc thu mua năng lượng nhiệt hạch khả thi về mặt thương mại, với mục tiêu cuối cùng là xây dựng một nhà máy điện vào năm 2030.