Chỉ tính từ đầu tháng 11/2023 tới nay, cả chục cổ phiếu ngân hàng đã bốc đầu tăng mạnh từ 15-gần 50% giá trị. Rộng hơn, từ cuối tháng 7/2023 - chỉ sau nửa năm - ở nhóm ngân hàng, lần lượt các cổ phiếu VCB, BID, ACB, HDB, LPB đã thiết lập các mức lịch sử.

Cổ phiếu CTG với mức tăng 45% trong hơn 3 tháng qua đang cách đỉnh (36.8x đồng) chỉ 3,6%. Hay như MBB với nhịp tăng 28% cũng cách đỉnh (24.3x) chỉ 3,3%.

Loạt cổ phiếu ngân hàng đang ở vùng định giá hấp dẫn dù đã tăng 20-50%
Cổ phiếu CTG và MBB đang áp sát vùng đỉnh lịch sử

Trong bối cảnh lãi suất tiền gửi duy trì mức thấp, việc thu về khoản lợi nhuận gấp từ 4-9 lần lãi suất từ đầu tư cổ phiếu ngân hàng đã đem đến cái Tết "ấm no" cho hàng vạn cổ đông (đặc biệt là những cổ đông nhóm ngân hàng Big4).

Theo ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc phân tích khối khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta, định giá của nhóm ngân hàng không thực sự hấp dẫn nhưng nhà đầu tư đang nhìn vào kỳ vọng của nhóm này trong năm 2024.

Điểm tích cực là thời gian vừa qua Ngân hàng Nhà nước đồng ý gia hạn xử lý nợ xấu giúp các ngân hàng có thêm dư địa để giảm lãi suất đẩy động lực tăng trưởng tín dụng trong năm 2024 mà được giao cả năm là 15%. Ngân hàng Thương mại có tính chủ động hơn mọi năm trong việc đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng.

Tỷ lệ Casa của nhóm này cũng đang tăng dần trở lại, tác động chính vào lợi nhuận ngân hàng năm 2024, taịo dư địa cho nhóm này có NIM tốt hơn trong năm 2024.

"Trong ngắn hạn định giá ngân hàng có thể cao nhưng 2024 khi kết quả kinh doanh tích cực hơn thì mức định giá của ngân hàng sẽ được định giá lại", ông Minh nhấn mạnh.

Trong năm 2024, mặc dù còn tồn tại áp lực về chất lượng tài sản, các chuyên gia phân tích của FiinRatings nhận định khả năng sinh lời của các ngân hàng sẽ có những sự cải thiện nhất định, do tình hình kinh tế được kỳ vọng sẽ phục hồi. Bên cạnh đó, những giải pháp, chính sách tín dụng được Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước triển khai nhằm đạt mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sẽ phần nào gỡ bỏ những khó khăn trong việc tăng trưởng tín dụng.

Ngoài ra, một xu hướng trong năm 2024 được nhận định có thể ảnh hưởng tới tăng trưởng tín dụng và mức độ tín nhiệm của các ngân hàng là việc đẩy mạnh tăng vốn cấp 2 nhằm bổ sung nguồn vốn, hỗ trợ cho việc đạt mục tiêu tăng trưởng.

Loạt cổ phiếu ngân hàng đang ở vùng định giá hấp dẫn dù đã tăng 20-50%
Định giá cổ phiếu nhóm ngân hàng hiện ở mức 1.4x lần

Với việc tỷ lệ an toàn vốn của các ngân hàng trong nước hiện đang ở mức thấp hơn so với các ngân hàng trong cùng khu vực, FiinRatings kỳ vọng xu hướng này sẽ giúp các ngân hàng cải thiện mức đệm vốn và duy trì được nguồn vốn tương đối ổn định với chi phí phù hợp qua đó củng cố mức độ tín nhiệm của các ngân hàng.

Trong khi đó, Chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng, mức định giá hiện tại của ngành vẫn phù hợp để tích lũy, nhất là đối với nhóm tư nhân, trong khi nhóm quốc doanh vẫn có cơ sở để nâng chấp nhận định giá đến từ phát hành riêng lẻ. Cơ sở đến từ việc xem xét lại định giá của ngành trong các chu kỳ quá khứ, không xét tới giai đoạn 2014-2016 là thời kỳ tái cơ cấu của ngành hậu khủng hoảng bất động sản với hàng loạt quy định mới được bổ sung (như Thông tư 36/2014 và Thông tư 41/2016 của NHNN).

Các quy định quản trị rủi ro chặt chẽ hơn và sức khỏe bảng cân đối được cải thiện là những điểm khác biệt chính ở chu kỳ hiện tại so với quá khứ. Luật Tổ chức tín dụng sửa đổi theo hướng giảm thiểu rủi ro hệ thống cũng đã vừa được thông qua.

BSC tiếp tục duy trì khuyến nghị khả quan với ngành ngân hàng trong 2024 dựa trên các luận điểm chính: Môi trường lãi suất thấp cùng triển vọng kinh tế phục hồi giúp tăng trưởng tín dụng cải thiện và NIM bật tăng nhờ chi phí vốn được tái thiết lập, tăng cường xử lý nợ xấu trong 2023 tạo dư địa để ghi nhận lợi nhuận từ thu hồi nợ trong 2024, từ đó giúp triển vọng tăng trưởng lợi nhuận 2024 khả quan hơn, được hỗ trợ bởi mức định giá vẫn trong vùng phù hợp để tích lũy.

Trải qua năm 2023 nhiều khó khăn, chứng khoán Việt Nam dao động với biên độ 1.000-1.250 điểm. Cổ phiếu ngân hàng là dòng không thể thiếu để tạo hiệu ứng lan tỏa nhằm góp phần kéo VN-Index tăng trưởng lên đỉnh của năm. Ngoài ra, so với nhiều ngành khác, nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn ở vùng giá khá hấp dẫn để đầu tư do chưa tăng trưởng nhiều trong năm vừa qua.

Mặt bằng giá cổ phiếu của ngành ngân hàng được đại diện bởi chỉ số P/B đã điều chỉnh và đang được giao dịch ở vùng 1,4x, gần với mức đáy 1,3x năm 2020 và 2022. Điều này cho thấy mức định giá của ngành ngân hàng hiện tại khá hấp dẫn, mức giá rẻ so với thị trường chung, trong đó có một số cổ phiếu có chỉ số P/B khá thấp như: SHB đạt 0,85; TCB đạt 0,91; CTG đạt 1,26; MBB đạt 1,24…