Các công ty chứng khoán “ồ ạt” ra báo cáo kết quả kinh doanh vào ngày 19/4 như VND, HSC, VCBS, VCI,...Theo thống kê từ Fiintrade, dư nợ cho vay margin tại 48 công ty chứng khoán trong quý I/2024 đạt 191.300 tỷ đồng, đạt đỉnh thời đại.

Trước đó, vào giai đoạn quý I/2022, VN-Index dao động quanh vùng 1.500 điểm, margin thị trường đạt 173.200 tỷ đồng. Khi ấy, nhiều công ty chứng khoán xuất hiện tình trạng căng margin do tỷ lệ margin/vốn chủ sở hữu (VCSH) gần về 2 lần (giới hạn tối đa được cho phép).

Margin thị trường vượt đỉnh lịch sử, tình trạng 'căng cứng' chưa xuất hiện
Margin thị trường thiết lập đỉnh mới (Dữ liệu Fiintrade)

Theo thống kê dữ liệu margin từ Top 10 công ty chứng khoán chiếm thị phần môi giới lớn nhất trên sàn HoSE vào quý I/2024 (tổng thị phần 69,13%), tại ngày 31/1/2024, lượng cho vay ký quỹ đạt tổng 121.580 tỷ đồng và tổng vốn chủ sở hữu là 114.282 tỷ đồng.

Như vậy, tỷ lệ margin/VCSH là 1,06 lần, còn cách khá xa tỷ lệ trần là 2 lần. Riêng với 10 công ty chứng khoán chiếm 69,13% thị phần HoSE, các doanh nghiệp này vẫn có thể tiếp tục cho vay 106.984 tỷ đồng.

Margin thị trường vượt đỉnh lịch sử, tình trạng 'căng cứng' chưa xuất hiện
Thị trường vẫn có thể đáp ứng nhu cầu vay thêm hàng trăm nghìn tỷ đồng margin (Dữ liệu: Tự tổng hợp)

Tuy vậy, một số công ty chứng khoán cũng dần xuất hiện dấu hiệu “kín room” khi tỷ lệ margin/VCSH lên tới trên 1,7 lần như HSC, MBS, FTS.

Nhóm 4 công ty chứng khoán có thị phần môi giới có thị phần lớn nhất thì còn khá dư dả như: VPS (20,29% thị phần) tỷ lệ 1,3; SSI (9,32% thị phần) tỷ lệ 0,8; TCBS (6,56% thị phần) tỷ lệ 0,8; VND (6,01% thị phần) tỷ lệ 0,6.

Kết quả tích cực có được nhờ giai đoạn vừa qua, các công ty chứng khoán đã liên tục tăng vốn điều lệ, thậm chí tăng bằng lần.