Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam, riêng trong tháng 4, kim ngạch đạt 850,5 triệu USD, tăng 10%. Tuy nhiên, sự phục hồi này chưa đồng đều giữa các nhóm sản phẩm và thị trường, trong bối cảnh ngành đang chịu sức ép từ chính sách thuế quan đối ứng ngày càng phức tạp của Hoa Kỳ.

Tôm dẫn dắt đà phục hồi, cá tra tăng trưởng chậm lại

Tôm tiếp tục giữ vững vị trí là mặt hàng xuất khẩu chủ lực, với kim ngạch 4 tháng đạt 1,27 tỷ USD, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2024. Riêng tháng 4 đạt 330,8 triệu USD, tăng 15%. Sự tăng trưởng này được thúc đẩy bởi nhu cầu phục hồi mạnh tại Trung Quốc, EU và Nhật Bản, cùng với đà tăng giá nhờ tái cân bằng cung cầu toàn cầu.

Mặt hàng tỷ đô dưới nước của Việt Nam bứt tốc xuất khẩu sang Mỹ, cạnh tranh trực tiếp với hàng Trung Quốc
Xuất khẩu tôm dần hồi phục nhưng cá tra lại tăng trưởng chậm lại. Ảnh: Tổng hợp

Trong khi đó, cá tra đạt 632,7 triệu USD trong 4 tháng đầu năm, tăng 9%. Tuy nhiên, đà tăng trưởng đã chững lại, thể hiện rõ trong tháng 4 khi kim ngạch chỉ đạt 167,7 triệu USD – gần như đi ngang so với cùng kỳ.

Cá ngừ có dấu hiệu hụt hơi trong tháng 4 với mức sụt giảm 12% (chỉ đạt 76,1 triệu USD), dù tính chung 4 tháng vẫn tăng nhẹ 1% lên 304,2 triệu USD. Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu hụt nguyên liệu, đặc biệt là quy định siết chặt về kích thước tối thiểu đối với cá ngừ vằn.

Dù chiếm tỷ trọng nhỏ, các mặt hàng như cá rô phi và cá điêu hồng lại ghi nhận mức tăng trưởng bứt phá, tăng tới 138% đạt 19 triệu USD. Các nhóm nhuyễn thể (chân đầu, có vỏ) và cua ghẹ cũng ghi dấu ấn với mức tăng lần lượt là 18% (216,4 triệu USD), 50% (112,1 triệu USD) và 82% (83,1 triệu USD), chủ yếu nhờ nhu cầu cao từ thị trường Trung Quốc và khu vực ASEAN.

Hoa Kỳ sụt giảm do áp lực thuế, Trung Quốc vươn lên dẫn đầu

Xét theo thị trường, Trung Quốc và Hồng Kông vươn lên dẫn đầu với kim ngạch 709,8 triệu USD trong 4 tháng đầu năm (tăng 56%). Riêng tháng 4, kim ngạch đạt 182,3 triệu USD, tăng 29%, nhờ sức tiêu thụ mạnh đối với tôm, cua ghẹ và nhuyễn thể phục vụ phân khúc cao cấp.

Nhật Bản giữ vững vị trí thứ hai với 536,6 triệu USD (tăng 22%), chủ yếu nhờ ổn định tiêu thụ các sản phẩm giá trị gia tăng. EU và Hàn Quốc lần lượt đạt 351,5 triệu USD (tăng 17%) và 264,1 triệu USD (tăng 15%), hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do như EVFTA.

Trái ngược, xuất khẩu sang Hoa Kỳ đang chịu tác động tiêu cực. Trong tháng 4, kim ngạch chỉ đạt 120,5 triệu USD, giảm 15% so với cùng kỳ. Lũy kế 4 tháng, xuất khẩu sang thị trường này chỉ tăng nhẹ 7%, đạt 498,4 triệu USD – thấp hơn đáng kể so với các thị trường khác.

Thuế quan Hoa Kỳ chính là rào cản lớn

Một trong những nguyên nhân chính khiến xuất khẩu sang Hoa Kỳ sụt giảm là do các biện pháp thuế quan đối ứng, đặc biệt là thuế chống bán phá giá lên tới 46% đối với một số mặt hàng chủ lực như tôm và cá tra. Áp lực giá khiến nhiều nhà nhập khẩu Mỹ chuyển hướng sang các nguồn cung thay thế như Ấn Độ và Ecuador. Đồng thời, các rào cản kỹ thuật như kiểm tra an toàn thực phẩm và yêu cầu truy xuất nguồn gốc nghiêm ngặt tiếp tục gây khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam.

Tuy nhiên, nhờ các hiệp định như CPTPP và EVFTA, doanh nghiệp Việt đang chủ động mở rộng thị trường sang EU, Nhật Bản và ASEAN. Một số doanh nghiệp còn tập trung đẩy mạnh dòng sản phẩm giá trị gia tăng nhằm gia tăng biên lợi nhuận và giảm lệ thuộc vào thị trường Mỹ.

Trong 2 tháng tới (tháng 5 và 6/2025), hoạt động xuất khẩu được dự báo sẽ tăng tốc mạnh, đặc biệt là sang Hoa Kỳ, trước khi chính sách thuế mới của nước này chính thức có hiệu lực từ ngày 9/7/2025. Nhiều doanh nghiệp đang tranh thủ ký kết hợp đồng gấp rút, tập trung đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm chủ lực như tôm và cá tra, đồng thời áp dụng chiến lược giảm giá để giữ thị phần.

Mặt hàng tỷ đô dưới nước của Việt Nam bứt tốc xuất khẩu sang Mỹ, cạnh tranh trực tiếp với hàng Trung Quốc
Xuất khẩu thuỷ sản 4 tháng đầu năm 2025. Ảnh: Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam

Dự kiến kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ trong giai đoạn này có thể tăng 10–15% so với tháng 4. Tuy nhiên, sự phục hồi này có thể chỉ mang tính tạm thời.

Ở chiều ngược lại, xuất khẩu sang Trung Quốc và ASEAN có thể chững lại, tăng trưởng chỉ khoảng 3–5%, do phải cạnh tranh gay gắt với sản phẩm thủy sản giá rẻ của Trung Quốc – vốn đang chuyển hướng tiêu thụ sang khu vực do bị áp thuế cao tại Mỹ.

EU và Nhật Bản được kỳ vọng sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định (8–10%) nhờ lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do, nhưng khó có thể bù đắp hoàn toàn sự sụt giảm từ thị trường Trung Quốc và ASEAN.