Nhật Bản đang đối mặt khủng hoảng thiếu matcha nghiêm trọng, do tác động kết hợp của biến đổi khí hậu, lực lượng lao động nông nghiệp già hóa và sức ép ngày càng lớn từ thị trường toàn cầu.
Matcha đắt ngang vàng: Cung không đủ cầu, người Nhật phải xếp hàng chờ mua, cửa hàng chỉ dám bán 40 hộp mỗi ngày
Nhật Bản lao đao vì thiếu matcha, giá tăng vọt còn cửa hàng phải hạn chế bán chỉ 40 hộp mỗi ngày. Ảnh minh hoạ

Trong bối cảnh nhu cầu matcha bùng nổ trên khắp thế giới, đặc biệt tại Mỹ, châu Âu và Đông Nam Á, các vùng trồng trà chủ chốt của Nhật Bản lại liên tục hứng chịu tác động của khí hậu bất thường. Kyoto, nơi được mệnh danh là "thủ phủ matcha", đã trải qua một năm nóng kỷ lục khiến lá trà bị cháy xém, búp non vốn là nguyên liệu cốt lõi để sản xuất matcha bị hư hại nghiêm trọng.

Masahiro Yoshida, nông dân sáu đời trồng trà ở Uji (Kyoto), cho biết vụ thu hoạch tháng 4 - 5 năm nay chỉ đạt 1,5 tấn, giảm 25% so với mức trung bình 2 tấn của những năm trước. Trong khi đó, số lượng nông dân trồng trà ở Nhật đã giảm mạnh từ hơn 54.000 người năm 2000 xuống còn khoảng 20.000 vào năm 2025. Nhiều trang trại truyền thống không có người kế tục cũng không đủ khả năng đầu tư chuyển sang trồng tencha, loại lá chuyên dùng để xay matcha, do chi phí quá lớn.

Theo thống kê, năm 2024 Nhật Bản sản xuất được 5.336 tấn tencha (loại lá được dùng để làm matcha), gần gấp 2,7 lần so với một thập kỷ trước. Tuy vậy, các chuyên gia cảnh báo sản lượng vụ mới đang sụt giảm rõ rệt. Marc Falzon, nhà nhập khẩu tencha tại Mỹ, chia sẻ với Reuters rằng nhiều người trông đợi năng suất năm nay tăng để giảm bớt thiếu hụt, nhưng điều đó đã không xảy ra.

Giá đấu giá tencha tại Kyoto tháng 5 vừa qua đã lập kỷ lục mới, chạm mốc 8.235 yen/kg, tăng 170% so với cùng kỳ năm ngoái và vượt xa đỉnh cũ thiết lập năm 2016. Giá xuất khẩu trà xanh Nhật Bản, bao gồm matcha, cũng tăng 25%, đạt 36,4 tỷ yen (khoảng 252 triệu USD).

Nguồn cung khan hiếm buộc nhiều nhà cung ứng lớn như Tealife phải áp dụng hạn mức bán. Ngay cả thị trường nội địa cũng rơi vào tình trạng thiếu hàng, một số cửa hàng tại Uji phải giới hạn chỉ bán tối đa 40 hộp matcha mỗi ngày.

Matcha đang trở thành cơn sốt toàn cầu nhờ thế hệ Millennials và Gen Z, những người theo đuổi lối sống khỏe mạnh cũng như thích chia sẻ hình ảnh trên TikTok, Instagram. Đơn cử, cửa hàng Simply Native ở Sydney cho biết doanh số matcha đã tăng 250% chỉ trong sáu tháng sau khi video matcha latte lan truyền mạnh mẽ. Thương hiệu Marukyu Koyamaen thì bán sạch lượng matcha xuất khẩu chỉ sau vài tuần nhờ một video viral trên TikTok.

Song các chuyên gia cảnh báo nếu nguồn cung không bắt kịp, thị trường matcha có thể phình to thành bong bóng và sụp đổ khi bão hòa hoặc người tiêu dùng chuyển sang các lựa chọn thay thế. Một rủi ro khác là sự tràn ngập matcha giá rẻ, chất lượng thấp từ Trung Quốc có thể làm tổn hại danh tiếng lâu đời của matcha Nhật.

Trước tình hình này, chính phủ Nhật đã tung ra các chính sách hỗ trợ nông dân trồng tencha, khuyến khích cải tiến giống chịu nhiệt, mở rộng kỹ thuật che bóng để bảo vệ trà khỏi nắng nóng. Dù vậy, cây tencha cần ít nhất 5 năm để cho thu hoạch nên các giải pháp này chưa thể giúp ngay lập tức.

Một số trang trại áp dụng công nghệ che phủ tiên tiến, cơ giới hóa thu hoạch từng phần. Tuy nhiên, chuyên gia Shogo Nakamura ở Uji cảnh báo rằng nếu chạy theo sản lượng mà hạ tiêu chuẩn, chẳng hạn chuyển từ nghiền đá sang nghiền máy, thì hương vị matcha Uji sẽ bị mai một, làm mất giá trị truyền thống.

Giá trị thị trường matcha toàn cầu được dự báo có thể đạt 5 tỷ USD vào năm 2028, tăng trưởng 10 - 11% mỗi năm. Nhưng nếu không phát triển bền vững, một sản phẩm mang đậm dấu ấn văn hóa như matcha Uji rất có thể sẽ đánh mất cả chất lượng lẫn bản sắc.

Câu chuyện thiếu hụt matcha của Nhật Bản chính là lời nhắc nhở đắt giá về mặt trái của nhu cầu toàn cầu tăng quá nhanh. Khi sản xuất không kịp thích ứng, ngay cả một "biểu tượng tinh hoa" cũng dễ bị cuốn vào vòng xoáy biến động khắc nghiệt.

(Theo Reuters, The Times)