Xuất khẩu rau quả của Việt Nam đang có dấu hiệu chững lại sau hai năm tăng trưởng mạnh. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong tháng 4 vừa qua, kim ngạch chỉ đạt hơn 450 triệu USD và tổng giá trị trong 4 tháng đầu năm nay là 1,6 tỷ USD, giảm gần 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức giảm làm chấm dứt chuỗi tăng trưởng liên tiếp trong hai năm vừa qua.
Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc - thị trường chiếm gần 46% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam, chỉ đạt hơn 777 triệu USD, giảm gần 33% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức giảm sâu nhất trong các thị trường, khiến toàn ngành chịu nhiều tác động. Ngoài Trung Quốc, xuất khẩu mặt hàng này sang Hàn Quốc đạt 101 triệu USD (giảm 5%), Thái Lan đạt 57 triệu USD (giảm 3%), theo số liệu Hải quan.
Điểm đáng lo ngại, sản lượng xuất khẩu sầu riêng - mặt hàng chủ lực đã giảm tới 74% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị xuất khẩu sầu riêng trong 4 tháng đầu năm nay chỉ đạt 130 triệu USD, thấp hơn rất nhiều so với mức 500 triệu USD cùng kỳ năm trước.
Theo phân tích của các chuyên gia, xuất khẩu sầu riêng giảm mạnh tại thị trường Trung Quốc là nguyên nhân chính kéo kết quả xuất khẩu của toàn ngành rau quả đi xuống. Trong thời gian gần đây, hoạt động xuất khẩu sầu riêng của nước ta đã gặp nhiều khó khăn do thị trường tỷ dân siết mạnh kiểm tra dư lượng cadimi và hợp chất vàng O (chất có nguy cơ gây ung thư). Việc này đã làm tăng đáng kể thời gian thông quan, khiến cho chi phí tăng, nguy cơ bị trả hàng cao. Nhiều doanh nghiệp cho biết, thời gian thông quan thông thường chỉ kéo dài 2 - 3 ngày, hiện đã tăng lên tới một tuần.
Trước lo ngại vỡ chuỗi cung ứng sầu riêng, đặc biệt là trong thời điểm mùa thu hoạch sầu riêng chính vụ đã cận kề, việc giải quyết các vấn đề liên quan đến kiểm tra, kiểm soát chất cấm là vô cùng cấp bách. Nếu không giải quyết được, hoạt động xuất khẩu dự kiến sẽ gặp rất nhiều khó khăn và thách thức.
Trong cuộc họp bàn về giải pháp xuất khẩu sầu riêng, Bộ trưởng Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy yêu cầu các đơn vị phối hợp chặt với Hải quan Trung Quốc để tháo gỡ rào cản kỹ thuật, đẩy nhanh việc cấp mã số vùng trồng, phê duyệt cơ sở đóng gói và phòng kiểm nghiệm phục vụ xuất khẩu. Đồng thời, Bộ đang hoàn thiện quy trình kiểm dịch riêng cho sầu riêng để có cơ sở đánh giá lại kế hoạch xuất khẩu trong năm nay.
Về dài hạn, Bộ sẽ hoàn thiện khung pháp lý cho xuất khẩu nông sản, quy định rõ mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, kiểm nghiệm, giám định. Ngành sầu riêng sẽ được tái cơ cấu theo hướng bền vững, đẩy mạnh chế biến sâu như sầu riêng đông lạnh nhằm nâng giá trị và giảm phụ thuộc vào hàng tươi.