Thời điểm hiện tại, cổ phiếu ngành Ngân hàng vẫn đang cho thấy sức hút với nhà đầu tư khi được nhiều chuyên gia khuyến nghị, cũng như chiếm tỷ trọng lớn trong danh mục các quỹ đầu tư hàng đầu. Lý do chủ yếu được đưa ra là các chỉ số P/B và P/E của ngành Ngân hàng đang ở mức hấp dẫn, theo nhận định từ nhiều công ty Chứng khoán.

Tuy nhiên P/E ở một số ngân hàng dường như lại không liên quan lắm đến mức thu nhập. Đơn cử như MBB và ACB là 2 ngân hàng đứng top 6 trong bảng xếp hạng các ngân hàng có lợi nhuận sau thuế lớn nhất toàn ngành 2023, thì mức P/E hiện tại chưa tới 7.

Trong khi đó, các ngân hàng xếp sau lại có P/E cao hơn như STB ở mức 7,11; TPB là 9,22 trong khi bộ đôi này lần lượt đứng thứ 10 và 14 trong bảng xếp hạng trên.

Nên chọn P/E hay P/B khi "nhặt hàng" cổ phiếu ngân hàng?
Ngân hàng ACB - Ảnh minh họa

Ngược lại, các ngân hàng có tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) cao lại thường có mức P/B tương xứng. Ví dụ như ACB, VIB, HDB 3 ngân hàng top đầu về sinh lợi trên vốn chủ sở hữu đều có P/B cao với trung bình ngành, lần lượt là 1,62; 1,63; 1,6.

Vậy trong ngành Ngân hàng nói chung, chỉ số nào đang được ưa chuộng khi định giá, P/E hay P/B?

Chọn P/E hay P/B khi "nhặt hàng" cổ phiếu ngân hàng?

Ngân hàng là một chủ thể kinh doanh tương đối đặc biệt về mặt tài sản khi mà tài sản luôn được định giá theo thị trường. Do đó với ngành Ngân hàng, thì giá trị sổ sách có mức độ “thật”, “cốt lõi” và “thanh khoản” có thể gọi là cao nhất trong các nhóm ngành. Nên thật dễ hiểu khi chỉ số P/B luôn được ưa chuộng khi định giá ngành này.

Trong biến cố liên quan đến thị trường bất động sản năm 2022, các ngân hàng có dư nợ kinh doanh bất động sản lớn như Techcombank, MB Bank đã chứng kiến sự tụt giảm lớn trong chỉ số P/B. Có thời điểm P/B của Techcombank chỉ còn 0,8, giá cổ phiếu giao dịch dưới giá trị sổ sách hay như MB Bank đã có lúc giao dịch với P/B bằng 1. Mức P/B thấp kể trên cho thấy rằng giá cổ phiếu đã bao hàm nhận định của các nhà đầu tư về chất lượng các khoản cho vay, vốn chiếm phần lớn trong tài sản Ngân hàng.

Đối với các Ngân hàng có tài sản tốt và tính ổn định cao trong thu nhập, thì nhà đầu tư lại ưu tiên dùng chỉ số P/E để định giá. Tuy nhiên việc đánh giá tính ổn định trong thu nhập vừa quan trọng nhưng cũng rất khó để thực hiện. Một sự thay đổi nhỏ trong trích lập dự phòng tuy có thể không làm lợi nhuận biến động nhiều, nhưng với kỳ vọng nhà đầu tư thì có.

Trong môi trường tương đối bất định, khi rủi ro và tiềm năng đan xen thì nhà đầu tư có xu hướng tiếp cận cả hai phương pháp P/E và P/B để đảm bảo họ không “chìm đắm” trong sự lạc quan. Cũng có thể coi việc kết hợp này là điều nên có ở các nhà đầu tư dài hạn và cẩn trọng.

Với một số thời kỳ nhất định, chỉ số P/B ở mức thấp kỷ lục có thể gợi ý về một chuyến hành trình săn tìm "kho báu" bị ẩn giấu bằng lập luận đơn giản rằng, trong khi giá trị thị trường của một Ngân hàng còn thấp hơn cả vốn chủ sở hữu, thì khoảng chừng 4 đến 5 lần mức đó đang được cho vay và tạo ra lợi nhuận đều đặn với tỷ lệ “đều đặn” lên tới 98-99%.

Nên chọn P/E hay P/B khi "nhặt hàng" cổ phiếu ngân hàng?
Ngân hàng Techcombank. Ảnh minh họa

P/B - Price to Book value (Giá/giá trị sổ sách) là chỉ số thể hiện tỷ lệ giữa giá cổ phiếu trên giá trị sổ sách (Book value). Trong đó, giá trị sổ sách đươc tính bằng cách lấy tổng tài sản trừ đi tất cả các khoản nợ của Doanh nghiệp. Trong điều kiện bình thường, vốn chủ sở hữu kết hợp với các khoản nợ vay hình thành nên tài sản của công ty như máy móc, nhà xưởng, hàng tồn kho… qua đó tạo doanh thu và lợi nhuận cho Doanh nghiệp.

Khi nhà đầu tư bắt đầu chú ý nhiều tới chỉ số P/B trong lúc định giá, thì giá trị tài sản ròng của doanh nghiệp càng được quan tâm. Điều này ngụ ý rằng chất lượng của toàn bộ tài sản đang đi xuống, các khoản nợ dần trở thành gánh nặng và nhà đầu tư bắt đầu phải loại trừ nợ ra khỏi giá trị tài sản. Do vậy, chỉ số P/B đóng vai trò quan trọng hơn trong định giá khi một ngành hoặc một doanh nghiệp nào đó đang xuống dốc, và được các nhà đầu tư chuyên săn lùng món hời ưa dùng.

P/E - Price to Earnings (Giá/lợi nhuận ròng) thể hiện số tiền phải trả cho 1 đồng thu nhập ròng của Doanh nghiệp. Ví dụ cổ phiếu Vietcombank đang giao dịch ở mức P/E =16 có nghĩa là nhà đầu tư sẵn sàng trả 16 đồng cho 1 đồng lợi nhuận ròng làm ra trong năm gần nhất.

Do đó, P/E có thể hiểu là chỉ số đo lường kỳ vọng của nhà đầu tư vào thu nhập ròng trong tương lai của Doanh nghiệp. Doanh nghiệp càng có lợi thế trong sản phẩm và thị phần thì càng được kỳ vọng nhiều, do đó chỉ số P/E ở các doanh nghiệp này thường cao hơn so với mặt bằng chung. Ngược lại, các doanh nghiệp có thu nhập tăng trưởng âm, hay thu nhập thất thường qua các năm thì chỉ số P/E thấp tương đối.