Trong bối cảnh chi tiêu toàn cầu thu hẹp, chi phí đầu vào leo thang và căng thẳng địa chính trị ngày càng khó lường, ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) vốn được xem là “vùng an toàn” trong khủng hoảng cũng đang phải đối mặt với những biến động vô cùng mạnh mẽ.

Mới đây, Procter & Gamble (P&G) thông báo cắt giảm 7.000 việc làm, tương đương khoảng 6% tổng nhân sự toàn cầu. Unilever cũng không đứng ngoài xu hướng, khi triển khai kế hoạch tinh giảm 7.500 vị trí, trong đó riêng tại châu Âu là hơn 3.200 nhân sự văn phòng. Đây được cho là đợt cắt giảm sâu nhất của tập đoàn trong hàng chục năm trở lại đây.

Ngành hàng tiêu dùng nhanh lao đao: Hơn 14.000 nhân sự bị cắt giảm, các 'ông lớn' buộc phải tái cấu trúc để tồn tại
P&G thông báo cắt giảm 7.000 việc làm. (Ảnh minh hoạ)

P&G cho biết họ sẽ loại bỏ các vị trí không trực tiếp sản xuất và dừng đầu tư vào những thương hiệu kém tăng trưởng. Chiến lược này nhằm tập trung nguồn lực vào các thương hiệu chủ lực như Tide, Pampers hay Old Spice, đồng thời thúc đẩy quá trình tự động hóa và số hóa nhằm tinh gọn bộ máy.

Nguyên nhân sâu xa đến từ nhiều áp lực đan xen, trong đó đáng kể là các loại thuế quan đánh vào hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, khiến P&G ước tính thiệt hại khoảng 600 triệu USD trong năm tài chính 2026. Cùng với đó là lo ngại suy thoái kinh tế toàn cầu, khiến người tiêu dùng ngày càng thận trọng hơn với các sản phẩm không thiết yếu.

Unilever cũng bước vào một cuộc cải tổ với quy mô lớn, bao gồm việc tách riêng mảng kinh doanh kem, bán bớt các thương hiệu thực phẩm nhỏ và đẩy mạnh tự động hóa để tiết kiệm chi phí vận hành.

Ngành hàng tiêu dùng nhanh lao đao: Hơn 14.000 nhân sự bị cắt giảm, các 'ông lớn' buộc phải tái cấu trúc để tồn tại
Unilever buộc phải bán bớt các thương hiệu thực phẩm nhỏ. (Ảnh minh hoạ)

Một lý do khác khiến các "ông lớn" FMCG buộc phải cơ cấu lại là sự trỗi dậy mạnh mẽ của những thương hiệu mới, tuy nhỏ nhưng nhanh nhạy. Các cái tên như Duke’s, Goodles hay nhiều nhãn hàng nội địa về thực phẩm bảo vệ sức khỏe đang chiếm lĩnh thị phần một cách đáng kể. Theo Bain & Co, nhóm thương hiệu nhỏ này đã đóng góp đến 39% mức tăng trưởng trong các ngành hàng thực phẩm và chăm sóc cá nhân năm 2024 tăng mạnh so với mức 17% của năm trước.

Từ chỗ là “lá chắn” trong khủng hoảng, các tập đoàn FMCG giờ đây phải gồng mình chống đỡ. Những thương hiệu đình đám như Dove, Vaseline hay Pampers đang mất dần lợi thế cạnh tranh, buộc phải tái định vị và đổi mới nếu không muốn bị bỏ lại phía sau.

Việc P&G và Unilever đồng loạt cắt giảm hơn 14.000 nhân sự không chỉ cho thấy sức ép khủng khiếp lên ngành hàng tiêu dùng nhanh, mà còn là tín hiệu rõ ràng về một thời kỳ chuyển mình mạnh mẽ, nơi hiệu quả đổi mới và thấu hiểu người tiêu dùng là yếu tố sống còn.