Ngay sau khi ChatGPT và các chatbot AI thế hệ mới ra mắt cuối năm 2022, nhiều doanh nghiệp đã gấp rút tuyển dụng các kỹ sư câu lệnh (prompt engineer) – những người có khả năng "giao tiếp" hiệu quả với AI thông qua các đoạn văn xuôi đơn giản. Không cần kỹ năng lập trình phức tạp, kỹ sư ra lệnh chỉ cần sử dụng ngôn ngữ tự nhiên, hiểu rõ điểm mạnh - điểm yếu của AI để "gợi chuyện" và tối ưu hóa phản hồi.
Trong thời kỳ đỉnh cao, những khóa học dạy kỹ thuật gợi ý AI nở rộ, thậm chí có người như Lance Junck thu về hàng chục nghìn USD chỉ nhờ dạy cách dùng ChatGPT. Các tập đoàn lớn xem khả năng thiết kế câu lệnh là chìa khóa để khai thác tối đa tiềm năng AI trong công việc và dịch vụ.
Sự phát triển nhanh chóng của AI chính là nguyên nhân trực tiếp khiến nghề prompt engineer trở nên lỗi thời. Các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) như GPT-4, Claude hay Gemini giờ đây đã có khả năng hiểu ngữ cảnh tốt hơn nhiều. Không còn phụ thuộc hoàn toàn vào sự chính xác của câu lệnh đầu vào, các hệ thống AI có thể tự động suy luận, đặt câu hỏi ngược lại khi cần làm rõ ý định người dùng.
Theo một khảo sát do Microsoft ủy quyền trên 31.000 nhân viên toàn cầu, vai trò kỹ sư ra lệnh chỉ xếp thứ hai từ dưới lên trong danh sách các vị trí mà doanh nghiệp cân nhắc bổ sung. Thay vào đó, nhu cầu tập trung vào các vị trí như chuyên gia dữ liệu, chuyên gia bảo mật AI và người đào tạo AI.
![]() |
Các kỹ sư câu lệnh dần "hết đất diễn". Ảnh minh họa |
Một lý do khác là sự thay đổi trong chiến lược nhân sự. Các doanh nghiệp không còn muốn tuyển riêng một đội ngũ kỹ sư câu lệnh, mà chuyển sang đào tạo kỹ năng này cho toàn bộ nhân viên, từ tài chính, nhân sự đến pháp lý. Khả năng tương tác hiệu quả với AI trở thành kỹ năng phổ thông, chứ không còn là một công việc chuyên biệt.
Hơn nữa, yếu tố kinh tế cũng ảnh hưởng không nhỏ. Các công ty, trước áp lực ngân sách và bất ổn kinh tế, trở nên dè dặt hơn trong tuyển dụng, chỉ ưu tiên những vị trí thiết yếu nhất cho chiến lược dài hạn.
Giáo sư Andrew Ng, nhà sáng lập Google Brain và Coursera, đã đưa ra khái niệm “lazy prompting” – tức là nhập yêu cầu cho AI với rất ít chỉ dẫn. Theo ông, trong nhiều trường hợp, chỉ cần cung cấp thông tin thô (như sao chép lỗi lập trình) mà không cần viết prompt cầu kỳ, các mô hình AI hiện đại vẫn có thể suy luận và đưa ra câu trả lời chính xác.
Tuy nhiên, Ng cũng lưu ý rằng "lazy prompting" chỉ thực sự hiệu quả trong các tình huống mà AI có thể kiểm tra nhanh và đủ thông minh để hiểu ngữ cảnh từ dữ liệu tối thiểu. Với các bài toán phức tạp hoặc yêu cầu chi tiết cao, việc soạn câu lệnh cẩn thận vẫn đóng vai trò quan trọng.
Dù nghề "kỹ sư ra lệnh" đang lùi vào dĩ vãng, nhưng kỹ năng giao tiếp với AI ngày càng trở nên thiết yếu trong môi trường làm việc hiện đại. Trong tương lai, khả năng khai thác sức mạnh AI thông qua giao tiếp hiệu quả sẽ là yêu cầu cơ bản đối với bất kỳ lao động trí thức nào.
Không còn là một nghề riêng biệt với mức lương "trên trời", kỹ năng prompt trở thành một phần trong bộ công cụ nghề nghiệp mới, bên cạnh hiểu biết dữ liệu, an ninh mạng và khả năng tư duy phản biện.