Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết số 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân. Nghị quyết 68 đã khẳng định rõ tinh thần không hình sự hoá các mối quan hệ kinh tế. Đây là những điểm mới chưa từng có trong các Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân.
Bình luận về Nghị quyết 68, ông Nguyễn Quang Huân, đại biểu Quốc hội, Phó chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Halcom Việt Nam cho rằng, Nghị quyết 68-NQ/TW sẽ tạo cú hích thúc đẩy vốn đầu tư tư nhân.
“Hiện nay, kinh tế tư nhân đóng góp 50% GDP, 82% việc làm nhưng gặp rất nhiều trở ngại, trong đó có trở ngại về pháp lý, nhiều doanh nghiệp hoạt động luôn nơm nớp nỗi lo bị xử lý hình sự”, ông Huân chia sẻ.
![]() |
Việc hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự đã từng gây ra tâm lý lo ngại, thậm chí làm triệt tiêu tinh thần khởi nghiệp, sáng tạo và sự năng động của khu vực tư nhân. |
Theo ông Huân, thực tế, những năm qua, lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng có nhiều lần phát biểu về việc không hình sự hóa quan hệ dân sự, kinh tế nhưng thực tế doanh nghiệp bị xử lý hình sự vẫn rất nhiều. Việc nội dung này được đưa vào Nghị quyết của Đảng khiến doanh nghiệp yên tâm hơn. Trong thực tế, rất nhiều doanh nghiệp không cố tính làm trái mà vô tình vi phạm pháp luật do văn bản pháp lý chưa rõ ràng. Đây cũng là lý do doanh nghiệp nước ngoài còn e ngại khi đầu tư vào Việt Nam.
Từ trước đến nay, doanh nghiệp đều có chung nỗi lo tiềm ẩn về các vấn đề pháp lý khi đưa ra các quyết định kinh doanh. Đặc biệt trong bối cảnh pháp luật thay đổi nhanh chóng, việc vận dụng đôi khi chưa thống nhất giữa các cơ quan thực thi pháp luật.
Việc hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự đã từng gây ra tâm lý lo ngại, thậm chí làm triệt tiêu tinh thần khởi nghiệp, sáng tạo và sự năng động của khu vực tư nhân.
“Khi đã bị truy cứu hình sự, họ không chỉ mất tài sản mà sự nghiệp đều dang dở”, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương chia sẻ.
Trong suốt gần 40 năm Đổi mới, Đảng và Nhà nước đã nhận ra sự cần thiết không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự. Tuy nhiên, phải đến Nghị quyết 68 mới có những quan điểm quyết liệt và đây là những điểm mới chưa từng có. Cụ thể: Sửa đổi các quy định về pháp luật hình sự, dân sự, tố tụng hình sự, tố tụng dân sự để bảo đảm nguyên tắc khi xử lý các sai phạm, vụ việc về dân sự kinh tế, ưu tiên áp dụng các biện pháp về dân sự, kinh tế, hành chính trước, cho phép các doanh nghiệp, doanh nhân được chủ động khắc phục sai phạm, thiệt hại.
Nghị quyết 68 cũng nêu rõ: Trường hợp thực tiễn áp dụng pháp luật có thể dẫn đến xử lý hình sự hoặc không xử lý hình sự thì kiên quyết không áp dụng xử lý hình sự. Trường hợp đến mức xử lý hình sự thì ưu tiên các biện pháp khắc phục hậu quả kinh tế trước và là căn cứ quan trọng để xem xét các biện pháp xử lý tiếp theo.
“Có thể hiểu rằng, nếu người kinh doanh mắc sai phạm thì đều tạo điều kiện cơ hội cho họ làm lại. Điều này đối với doanh nhân cực kì quan trọng. Thêm một điểm nữa là Nghị quyết cũng phân biệt rõ giữa thể nhân và pháp nhân, tức là phân biệt rõ giám đốc và doanh nghiệp. Giám đốc vi phạm là trách nhiệm của cá nhân chứ không kéo doanh nghiệp vào. Niêm phong tài sản của cá nhân chứ không niêm phong tài sản, trụ sở doanh nghiệp. Sẽ không còn câu chuyện niêm phong cả nhà máy làm vật chứng của vụ án. Chính vì vậy, doanh nghiệp và các nhà đầu tư sẽ an tâm hơn, sẵn sàng chấp nhận rủi ro, tiếp cận cái mới để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển”, TS. Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh.