Từ thời điểm được thành lập năm 1890 đến nay (135 năm), tỉnh Thái Bình không trải qua bất kỳ sự chia tách, sáp nhập hay đổi tên nào.

Ngày 21/3/1890, tỉnh Thái Bình được thành lập dưới thời Pháp thuộc, bao gồm 10 huyện ban đầu. Đến năm 1894, tỉnh được mở rộng với hai huyện Hưng Nhân và Duyên Hà từ Hưng Yên. Sau Cách mạng tháng 8/1945, hệ thống hành chính thay đổi, bỏ cấp tổng, đổi phủ thành huyện, nâng tổng số huyện lên 12.

Đến năm 1969, một số huyện được sáp nhập, khiến số huyện giảm từ 12 xuống còn 7. Những năm 1980, một số xã của huyện Vũ Thư tiếp tục được sáp nhập vào thị xã Thái Bình, đặt nền móng cho sự hình thành thành phố Thái Bình sau này.

Tại Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết số 60-NQ/TW về phương án sắp xếp 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh. Theo đó, hai tỉnh Hưng Yên và Thái Bình sẽ hợp nhất thành tỉnh mới, lấy tên là tỉnh Hưng Yên, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Hưng Yên hiện nay.

Ngày 18/4, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hưng Yên đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình về dự thảo đề án hợp nhất tỉnh Hưng Yên và tỉnh Thái Bình; dự thảo đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của 2 tỉnh.

Tỉnh duy nhất ở Việt Nam 135 năm chưa từng ‘thay tên đổi họ’, sau sáp nhập hứa hẹn bứt phá
Tỉnh Thái Bình không trải qua bất kỳ sự chia tách, sáp nhập hay đổi tên nào sau 135 năm - Ảnh: VGP

Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa nhấn mạnh, trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, Hưng Yên và Thái Bình đã có sự gắn bó chặt chẽ với nhau cũng như có nhiều nét tương đồng về văn hóa, điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý…

Việc hợp nhất hai tỉnh này sẽ phát huy được những thế mạnh của từng địa phương, tạo ra một không gian phát triển liên hoàn, khai thác tốt hơn những lợi thế về địa lý, quỹ đất... cũng như khắc phục những hạn chế về quy mô, nguồn lực... tạo động lực phát triển công nghiệp, dịch vụ và kinh tế ven biển...

Trong năm 2024, tỉnh Thái Bình cũng ghi nhận nhiều kết quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2024 tăng 7,01% so với năm 2023, bình quân tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021 - 2024 tăng gấp 1,35 lần so với bình quân chung cả nước; quy mô nền kinh tế xếp hạng thứ 23/63 tỉnh thành.

Tổng thu ngân sách Nhà nước thực hiện đạt 28.066,4 tỷ đồng, đạt 144% dự toán, tăng 15,7% so với năm 2023; trong đó, thu nội địa 11.578,9 tỷ đồng, đạt 134,5% dự toán, tăng 18% (là năm thứ hai liên tiếp thu nội địa đạt trên 11.000 tỷ đồng).

Năm 2024, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Hưng Yên ghi nhận những kết quả tích cực. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh ước đạt 8,17% (kế hoạch tăng 7,5%-8%), GRDP bình quân đầu người 121,6 triệu đồng. Năng suất lao động đạt hơn 212 triệu đồng/lao động, tăng 8,46%; thu ngân sách ước đạt 40.114 tỷ đồng, đạt 122,2% so với dự toán; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 7,2 tỷ USD.