Trong buổi phỏng vấn với hãng tin CNBC vào hôm nay, Kevin Hassett, Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Mỹ, đồng thời là cố vấn kinh tế cấp cao của Tổng thống Mỹ Donald Trump, cho biết Tổng thống Donald Trump sẵn sàng áp thuế quan ở mức 10% và thậm chí là thấp hơn cho những quốc gia đưa ra "thỏa thuận tốt". Tuy nhiên, nếu các quốc gia đáp trả và không mở thị trường cho hàng hóa Mỹ, câu chuyện có thể đi theo hướng khác.
Điều này đánh dấu sự thay đổi đáng kể trong lập trường của ông Trump về thuế quan và mở ra cơ hội cho các quốc gia khác tiếp tục đàm phán. Trước đó, Tổng thống Mỹ đã mô tả 10% như "một mức sàn" vào hồi tháng 4, mặc dù ông nói có thể có "một vài ngoại lệ".
Mới đây, Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố trì hoãn kế hoạch áp thuế 50% lên khu vực Liên minh châu Âu (EU) - một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ - đến ngày 9/7.
Trong khi đó, các quốc gia khác vẫn đang khẩn trương đẩy mạnh đàm phán với Mỹ, nhằm tránh nguy cơ đối mặt với các mức thuế cao trước khi kết thúc lệnh tạm hoãn 90 ngày được chính quyền Tổng thống Donald Trump đưa ra.
![]() |
Ông Kevin Hassett, Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Mỹ |
Tại Nhật Bản, Bộ trưởng Tái thiết Kinh tế kiêm Trưởng đoàn đàm phán thương mại – ông Ryosei Akazawa – tái khẳng định lập trường yêu cầu Mỹ bãi bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu đối với ô tô, phụ tùng ô tô, thép và nhôm. Phát biểu tại Tokyo, ông nhấn mạnh Nhật Bản sẽ không ký bất kỳ thỏa thuận nào gây bất lợi cho lợi ích quốc gia.
Hàn Quốc hiện đã bước vào vòng đàm phán thứ hai với Mỹ. Mục tiêu là đạt được một thỏa thuận thương mại trọn gói trước ngày 8/7, bao gồm các nội dung về mất cân bằng thương mại, biện pháp phi thuế quan, an ninh kinh tế, thương mại số và chỉ dẫn xuất xứ hàng hóa.
Trong khi đó, Ấn Độ đang tiến hành đàm phán một thỏa thuận thương mại ba giai đoạn với Mỹ. Giai đoạn đầu – một thỏa thuận tạm thời – được kỳ vọng sẽ hoàn tất vào tháng 7, đề cập đến tiếp cận thị trường cho hàng hóa công nghiệp, nông sản và dỡ bỏ một số rào cản phi thuế quan. Giai đoạn hai hướng tới một thỏa thuận rộng hơn bao phủ 19 lĩnh vực, trong khi thỏa thuận toàn diện cuối cùng nhiều khả năng chỉ hoàn tất sau năm 2026.
Tại khu vực Mỹ Latinh, Tổng thống Brazil Cyril Ramaphosa đã có chuyến thăm chính thức Washington vào ngày 19/5 và có cuộc hội đàm với Tổng thống Donald Trump tại Nhà Trắng vào 21/5. Bộ trưởng Nông nghiệp Brazil John Steenhuisen cho biết ưu tiên của nước này là giữ ổn định quan hệ thương mại, nhằm bảo vệ triển vọng tăng trưởng kinh tế và mở rộng cơ hội việc làm cho người dân.