Ngày 14/5/2025, Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt tổ chức tọa đàm với chủ đề “Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Cơ hội để kinh tế tư nhân bứt phá trong kỷ nguyên mới.”

Chia sẻ tại sự kiện, ông Trần Thiện Cảnh, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam (Bộ Xây dựng) cho biết doanh nghiệp Việt hoàn toàn có tiềm năng tham gia vào dự án đường sắt tốc độ cao.

Trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng giao thông, đặc biệt từ mặt đất trở xuống, doanh nghiệp trong nước đã có thể tự chủ khoảng 80 - 90% nhờ kinh nghiệm tích lũy từ các dự án cao tốc Bắc - Nam, sân bay Long Thành và loạt công trình đô thị hóa quy mô lớn.

Tuy nhiên, đường sắt tốc độ cao (vốn đầu tư 67 tỷ USD) là “cuộc chơi khác” khi đòi hỏi nền tảng công nghệ, tiêu chuẩn vật liệu, kiểm soát rung động và khả năng đồng bộ ở mức rất cao. Sự chuyển dịch toàn diện về kỹ thuật và quản trị là điều kiện bắt buộc nếu Việt Nam muốn làm chủ lĩnh vực này.

Một điểm sáng đáng chú ý là sự tham gia của hai tập đoàn công nghệ trong nước - VNPT và Viettel hiện đang nghiên cứu, phát triển hệ thống điều hành, tín hiệu và điện lực. Hai đơn vị này đã tiếp cận công nghệ quốc tế và từng bước xây dựng các phân khúc sản phẩm nội địa.

Dù hiện nay 60 - 70% linh kiện đầu vào vẫn phải nhập khẩu, lộ trình nội địa hóa đang được xác lập dần. Riêng đối với phương tiện như toa xe, đầu máy, ray… Việt Nam có thể tự chủ khoảng 80%. Về hạ tầng điện lực, phần lớn công tác lắp đặt và kết nối đã có thể do doanh nghiệp trong nước thực hiện. Tuy nhiên, các thiết bị điện chuyên dụng và công nghệ điều khiển năng lượng tốc độ cao vẫn cần sự hỗ trợ từ các nhà sản xuất nước ngoài.

Nhận lệnh từ Thủ tướng, hai ông lớn bắt tay chinh phục 'mỏ vàng' công nghệ trên tuyến đường sắt 67 tỷ USD
Ông Trần Thiện Cảnh, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam (Ảnh: Phạm Hưng)

Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp trong nước đã chủ động tham gia vào chuỗi cung ứng. Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) đã thành lập công ty sản xuất thép cường độ cao phục vụ trực tiếp các công trình cầu, hầm, nền đường, đặc biệt tại miền Trung và Tây Nguyên - nơi địa chất phức tạp. Các nhà thầu hạ tầng như CTCP FECON (HoSE: FCN), Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng (Vinaconex, mã: VCG)... cũng đang tiếp cận công nghệ quốc tế, chuẩn bị sẵn sàng cho các gói thầu kỹ thuật cao.

Bộ Xây dựng hiện đã hoàn tất đề án trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đề xuất lộ trình nội địa hóa, phân rõ vai trò giữa khối doanh nghiệp tư nhân và Nhà nước, tiến tới làm chủ công nghệ đường sắt tốc độ cao.

“Tôi tin rằng với sự chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ và tinh thần Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân, doanh nghiệp Việt Nam không chỉ tham gia mà còn có thể làm chủ một phần quan trọng trong chuỗi công nghiệp đường sắt trong vòng một thập kỷ tới”, ông Cảnh nhận định.

Nhận lệnh từ Thủ tướng, hai ông lớn bắt tay chinh phục 'mỏ vàng' công nghệ trên tuyến đường sắt 67 tỷ USD
Viettel và VNPT làm chủ công nghệ thông tin, phát triển tín hiệu đường sắt tốc độ cao

Trước đó, tại các phiên họp của Ban Chỉ đạo các công trình, dự án quan trọng quốc gia trong lĩnh vực đường sắt, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp chủ động tham gia nghiên cứu và sản xuất phục vụ các dự án đường sắt.

Cụ thể, Thủ tướng giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ ngành liên quan cùng Tập đoàn Viettel, VNPT để lựa chọn phương án triển khai phù hợp, trong đó giao doanh nghiệp tiếp nhận và làm chủ công nghệ thông tin tín hiệu đường sắt, phục vụ các dự án trọng điểm. Thời hạn hoàn thành được ấn định trong tháng 6/2025.

Liên quan đến phát triển hạ tầng đường sắt, một số doanh nghiệp lớn đã được giao nhiệm vụ cụ thể: Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đảm nhận vận hành; Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) phụ trách sản xuất đường ray; Tập đoàn Trường Hải (THACO) tham gia nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và sản xuất toa tàu tốc độ cao, tiến tới chế tạo đầu máy trong tương lai.