Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines - HoSE: HVN) vừa tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường năm 2025, thảo luận và thông qua nhiều nội dung quan trọng trong chiến lược tái cơ cấu, tăng vốn và mua mới 50 máy bay.
![]() |
Hình ảnh tại đại hội |
Phát biểu tại đại hội, ông Đặng Ngọc Hòa – Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines cho biết, dù năm 2024 ghi nhận những tín hiệu tích cực như sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường khách quốc tế và giá nhiên liệu dần ổn định, hãng vẫn đối mặt với nhiều thách thức như kinh tế toàn cầu phục hồi chậm, lạm phát, biến động tỷ giá và thiếu hụt tàu bay.
Trước bối cảnh đó, Vietnam Airlines đã triển khai đồng bộ các giải pháp như tái cấu trúc toàn diện bộ máy, tối ưu hóa chi phí và mở rộng mạng bay quốc tế. Đồng thời, Vietnam Airlines xây dựng và thực hiện Đề án tái cơ cấu tổng thể nhằm phục hồi và phát triển bền vững trong dài hạn.
Nhờ các nỗ lực này, doanh thu hợp nhất năm 2024 đạt 112.777 tỷ đồng, vượt 8% kế hoạch; lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt kỷ lục 7.958 tỷ đồng - mức cao nhất từ trước đến nay. Sản lượng vận chuyển ghi nhận 22,7 triệu lượt hành khách (tăng 8%) và hơn 314 nghìn tấn hàng hóa. Hiệu suất khai thác đội bay cũng được cải thiện đáng kể, tạo đà bứt phá cho năm 2025.
Ngay trong quý I/2025, hãng ghi nhận kết quả khả quan với lợi nhuận hợp nhất trước thuế ước đạt gần 3.625 tỷ đồng; vận chuyển 6,2 triệu lượt hành khách, tăng 6,7% so với cùng kỳ.
Tăng vốn lên 9.000 tỷ đồng và mua mới 50 máy bay thân hẹp
![]() |
Ảnh minh họa |
Đại hội thông qua việc phát hành 900 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cp, tỷ lệ 40,6% (cổ đông sở hữu 1000 cổ phiếu có quyền mua 406 cổ phiếu mới). Thời gian dự kiến diễn ra vào 6 tháng cuối năm 2025. Số tiền 9.000 tỷ huy động được, Vietnam Airlines sẽ dùng toàn bộ để thanh toán nợ ngắn hạn.
Đại diện Vietnam Airlines nhấn mạnh năm 2025 là năm bản lề để Tổng công ty bước vào giai đoạn phát triển mới. Công ty còn có đợt tăng vốn thêm 13.000 tỷ đồng vào năm 2026. Kế hoạch này nhằm củng cố nền tảng tài chính, nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo điều kiện phát triển bền vững.
Việc tăng vốn sẽ cải thiện thanh khoản, nâng cao chất lượng tài chính và giảm hệ số nợ, từ đó giúp Vietnam Airlines dễ dàng tiếp cận nguồn vốn phục vụ phát triển đội bay, nâng cao chất lượng dịch vụ và thực thi các chiến lược dài hạn.
Cùng với đó, Vietnam Airlines tiếp tục tái cơ cấu tổ chức theo hướng tinh gọn, linh hoạt và hiệu quả; tối ưu quy trình vận hành để nâng cao năng suất, giảm chi phí và cải thiện chất lượng dịch vụ. Tổng công ty cũng chú trọng đổi mới quản trị, nâng cao năng lực cán bộ nhân viên, làm nền tảng cho tăng trưởng bền vững.
Trong chiến lược hiện đại hóa đội bay, Vietnam Airlines đầu tư vào dòng tàu bay thân hẹp, đồng thời mở mới và khôi phục 15 đường bay quốc tế trọng điểm đến các thị trường như Ý, Nga, Đan Mạch, Trung Quốc, Nhật Bản và UAE. Những bước đi này giúp mở rộng thị phần và tăng sức cạnh tranh quốc tế.
Cụ thể, doanh nghiệp sẽ mua 50 máy bay thân hẹp (từ 160 - 200 ghế) mới 100%, tương đương A320Neo (Airbus)/ B737Max8 (Boeing), bao gồm động cơ treo trên cánh, các thiết bị chọn thêm và 10 động cơ dự phòng (ĐCDP). Theo kế hoạch, đến năm 2030, mua mới 10 tàu bay và 2 ĐCDP; năm 2031 và 2032 đều mua 18 tàu bay và 4 ĐCDP. Tổng mức đầu tư của thương vụ là 3,6 tỷ USD (khoảng 92.380 tỷ đồng).
Vietnam Airlines khẳng định sẽ theo sát diễn biến thị trường để đưa ra các giải pháp ứng phó linh hoạt, đảm bảo an toàn tài chính và hiệu quả hoạt động.
Với định hướng tài chính rõ ràng và chiến lược phát triển dài hạn, Vietnam Airlines đang nỗ lực phục hồi và vươn lên mạnh mẽ. ĐHĐCĐ bất thường lần này được kỳ vọng là dấu mốc quan trọng, góp phần hiện thực hóa mục tiêu tái cơ cấu và hiện đại hóa, đóng góp cho sự phát triển bền vững của ngành hàng không Việt Nam.