Một đột phá y học mang tính cách mạng vừa được công bố tại Nhật Bản: các nhà khoa học đã phát triển thành công một loại máu nhân tạo có thể truyền cho mọi nhóm máu mà không cần làm lạnh. Đây là kỳ vọng lớn cho hàng triệu bệnh nhân cần truyền máu khẩn cấp, đặc biệt ở vùng sâu vùng xa, khu vực thiên tai hay chiến sự.

Việc tìm được nguồn máu phù hợp để truyền luôn là thách thức lớn trong y học khẩn cấp. Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, tình trạng thiếu hụt máu nghiêm trọng đang xảy ra trên toàn cầu. Việc xác định nhóm máu và làm xét nghiệm chéo gây mất thời gian quý giá, có thể ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh.

Nhật Bản tạo máu nhân tạo làm chấn động y học: Bảo quản 5 năm, truyền cho ai cũng được
Loại máu nhân tạo có thể truyền cho mọi nhóm máu mà không cần làm lạnh

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu tại Đại học Y khoa Nara Nhật Bản đang thay đổi cuộc chơi. Họ đã phát triển một loại máu nhân tạo không mang dấu hiệu xác định nhóm máu như A B AB hay O, giúp có thể truyền cho mọi bệnh nhân mà không cần xét nghiệm tương thích. Điều này giúp rút ngắn đáng kể thời gian xử lý trong các ca cấp cứu.

Theo Giáo sư Hiromi Sakai, người dẫn đầu dự án, nhóm nghiên cứu sử dụng hemoglobin từ máu hiến đã hết hạn sử dụng thường bị loại bỏ để tạo ra tế bào hồng cầu nhân tạo. Hemoglobin này sau đó được bao bọc trong các bong bóng nano cấu tạo từ chất béo, mô phỏng lớp màng tế bào hồng cầu tự nhiên.

Cách làm này không chỉ bảo vệ hemoglobin khỏi bị cơ thể đào thải mà còn loại bỏ nguy cơ lây nhiễm virus vi khuẩn từ người hiến máu. Đặc biệt, loại máu nhân tạo này có thể lưu trữ ở nhiệt độ phòng đến hai năm và trong tủ lạnh lên đến năm năm, vượt trội so với máu thông thường chỉ dùng được trong khoảng 42 ngày và phải bảo quản lạnh liên tục.

Từ năm 2022, các thử nghiệm lâm sàng đã được tiến hành trên người tình nguyện khỏe mạnh. Kết quả ban đầu rất tích cực: máu nhân tạo được hấp thu tốt, không gây tác dụng phụ nghiêm trọng. Hiện nhóm nghiên cứu đang mở rộng thử nghiệm với liều lượng lớn hơn từ 100 đến 400 ml để đánh giá tính an toàn và hiệu quả trong môi trường thực tế.

Dự kiến nếu các thử nghiệm tiếp theo tiếp tục thành công, máu nhân tạo có thể được triển khai chính thức trong hệ thống y tế Nhật Bản vào năm 2030, mở ra tương lai nơi việc thiếu máu không còn là nguyên nhân gây tử vong.