Tại hội thảo “Triển vọng đầu tư bất động sản tại các đô thị Vùng Thủ đô” do Tạp chí Reatimes tổ chức sáng nay (15/5), PGS.TS Trần Đình Thiên - Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách của Thủ tướng, cho rằng Vùng Thủ đô thực tế không phải là khái niệm mới, tuy nhiên cách nhìn nhận, cách tiếp cận và kỳ vọng đặt vào không gian địa lý đặc biệt này đang đổi thay theo chiều sâu và chiều rộng, phản ánh một bối cảnh mới, tư duy mới và cả những thách thức mang tính bước ngoặt.

Theo ông, Vùng Thủ đô nay đang được tái định hình như một không gian tăng trưởng chiến lược của quốc gia, là một vùng động lực thực sự, có khả năng tạo đà bứt phá trong kỷ nguyên mới. Khi quốc gia xác lập vị thế mới trong chuỗi giá trị toàn cầu thì Vùng Thủ đô cũng chuyển dịch vai trò, từ vệ tinh của Hà Nội thành cực phát triển cấp vùng trong cấu trúc kinh tế - chính trị - xã hội hiện đại.

Ngân hàng ồ ạt rao bán bất động sản thế chấp
PGS.TS Trần Đình Thiên - Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách của Thủ tướng cho rằng tăng trưởng không thể bám mãi vào “mặt đất” với những giới hạn về quỹ đất, hạ tầng, dân số.

Theo quan điểm của ông Thiên, đây là biểu hiện cho một bước ngoặt, từ nền kinh tế dựa vào tài nguyên, lao động giá rẻ sang nền kinh tế sáng tạo, công nghệ cao. Từ phát triển chiều rộng sang phát triển chiều sâu. Từ “có tăng trưởng” sang “tăng trưởng chất lượng cao”. Và để làm được điều đó, không gian tăng trưởng cần được mở rộng về cả chiều vật lý lẫn chiều số.

Ông Trần Đình Thiên cho rằng tăng trưởng không thể bám mãi vào “mặt đất” với những giới hạn về quỹ đất, hạ tầng, dân số. Tư duy mở rộng không gian vật lý sang không gian số, không gian ngầm, không gian trên cao, không gian biển, thậm chí là không gian vũ trụ, đang được đặt ra như một mệnh đề phát triển mới. Và Vùng Thủ đô, với lợi thế kết nối dựa núi hướng biển, có thể trở thành tâm điểm của xu hướng phát triển đa không gian.

Chuyển đổi từ mô hình đô thị lõi sang hệ thống đô thị nối dài với các tỉnh như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên đang đặt mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Mô hình đại đô thị tích hợp công nghiệp dịch vụ, đô thị xanh thông minh nghỉ dưỡng bắt đầu hình thành.

“Đây là dấu hiệu rõ ràng cho thấy bất động sản vùng ven Hà Nội đang bước vào một chu kỳ mới, từ bị động tiếp nhận nhu cầu giãn dân, sang chủ động đón nhận dòng vốn đầu tư quy mô lớn, đa dạng và bền vững”, ông Thiên nói.

Hiện nay, Vùng Thủ đô có 7 đường vành đai bao quanh, trong khi Vùng TP.HCM chỉ mới có 4 đường. Chính điều này sẽ định hình các trung tâm phát triển - tọa độ cho các thị trường bất động sản khu vực này bùng nổ trong thời gian tới. Ngay chính Hà Nội, các địa phương như Đông Anh, Sóc Sơn, Đan Phượng hiện cũng đang trở mình và phát triển mạnh mẽ.

Bên cạnh vị trí, hạ tầng giao thông, nguồn nhân lực của Vùng Thủ đô cũng vượt trội hơn hẳn so với nhiều khu vực khác nhờ hội tụ nhiều nhân lực chất lượng.

“Vì vậy, dù được nhận diện thế nào thì Vùng Thủ đô cũng sẽ là nơi hội tụ sức mạnh rất lớn - “Thiên thời, địa lợi, nhân hoà”. Cách tiếp cận là thông ra biển, hướng lên trời”, vị PGS.TS cho hay.

Quan trọng hơn nữa theo ông Thiên là khu vực này đang tạo ra sức cộng hưởng tiềm năng về lợi thế, sau khi có sự thay đổi về địa giới hành chính do chính sách sáp nhập tỉnh thành. Do đó, sức cạnh tranh của khu vực này là vượt trội, cấu trúc phát triển của vùng này là đa dạng.

Nhận định về thị trường bất động sản Vùng Thủ đô, ông Thiên đánh giá chắc chắn sẽ mở ra nhiều cơ hội, nhưng cũng đi kèm thách thức nếu không biết nắm bắt và quản lý. Vì vậy, để có thể tận dụng tối đa những lợi thế, giúp Vùng Thủ đô phát triển xứng với tiềm năng, cần có những chính sách phù hợp.