Theo Báo Cà Mau, từ đầu năm đến nay, người dân huyện Ngọc Hiển (tỉnh Cà Mau) đã trồng hơn 373 ha rau màu, đạt 37,3% kế hoạch năm, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước. Diện tích rau màu này chủ yếu phục vụ nhu cầu tại chỗ, bao gồm các điểm du lịch, chợ và hộ dân trong vùng.
Các loại rau được trồng phổ biến là cải, dưa leo, đậu đũa, đậu bắp, khổ qua, bầu, bí..., thích nghi tốt với điều kiện thổ nhưỡng địa phương. Đặc biệt, nhiều mô hình trồng rau màu tại chỗ đã phát huy hiệu quả kinh tế rõ rệt, góp phần tạo sinh kế bền vững cho người dân vùng đất mặn quanh năm.
Tận dụng diện tích đất trống quanh nhà, bà Trần Thị Minh (ấp Rạch Thọ, xã Đất Mũi) đã gắn bó với nghề trồng rau màu hơn 5 năm qua. Trên diện tích khoảng 1.000 m², bà áp dụng phương pháp trồng xen canh, lắp đặt lưới che nắng để bảo vệ rau mùa khô. Nhờ đó, vườn rau của bà luôn xanh tốt quanh năm với các loại như cải, mồng tơi, rau thơm...
![]() |
Vườn rau xanh mướt của gia đình bà Minh. Ảnh: Báo Cà Mau |
Trung bình mỗi ngày, gia đình bà Minh thu về từ 150.000 – 250.000 đồng, sau khi trừ chi phí vẫn còn lãi trên 7 triệu đồng mỗi tháng. Bà Minh chia sẻ rằng, vùng này đất mặn nhưng diện tích rộng, bà quyết tâm cải tạo để trồng rau, cây ăn trái. Ban đầu chỉ trồng vài thùng xốp cho gia đình, sau thấy hiệu quả nên mở rộng thêm. Rau màu nhiều, tôi đem ra chợ bán, bỏ mối cho các điểm du lịch trong xã.
Tương tự, chị Thiều Thị Thủy – cũng ở ấp Rạch Thọ – lại chọn trồng đu đủ, bí, dưa gang để phục vụ nhu cầu của khách du lịch và người dân địa phương. Dù các loại cây này cần thời gian dài sinh trưởng, song nhờ chăm chỉ, chịu khó học hỏi kỹ thuật và nắm bắt nhu cầu thị trường, chị Thủy luôn đạt hiệu quả kinh tế cao sau mỗi vụ.
“Tôi thấy vùng đất này thích hợp trồng các loại cây ăn trái, dây ra quả bởi đất nơi đây có rất nhiều phân trộn lẫn trong đất. Phần đất quanh nhà tôi chỉ 500 m2, nhưng tôi trồng đu đủ và dưa gang hơn 6 năm nay, năm nào cũng hiệu quả, giá cao, được bà con ở đây rất ưa chuộng, vì trồng không dùng thuốc và trái ngọt ngon”, chị Thuỷ chia sẻ trên Báo Cà Mau.
Theo bà Nguyễn Thị Diễm Kiều – Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Đất Mũi – thời gian qua, Hội đã tích cực vận động hội viên phát triển kinh tế gia đình qua nhiều mô hình như nuôi cá, chăn nuôi, buôn bán nhỏ. Trong đó, trồng rau màu, cây ăn trái là mô hình nổi bật, đem lại thu nhập ổn định.
Bà Kiều cho biết thêm, Hội hỗ trợ hội viên bằng cách kết nối đầu ra, giới thiệu sản phẩm với các điểm du lịch địa phương. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục vận động nhân rộng mô hình, phối hợp tập huấn kỹ thuật để nâng cao năng suất.
Dù là vùng đất mặn quanh năm, huyện Ngọc Hiển đang từng bước “xanh hóa” diện tích canh tác nhờ tinh thần vượt khó, cần cù của người dân cùng với việc ứng dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất. Những vườn rau, giàn bí, hàng dưa nơi đây không chỉ góp phần làm đẹp làng quê mà còn mở ra hướng đi kinh tế bền vững cho cư dân vùng cuối trời Tổ quốc.