Tính chung sáu tháng, Việt Nam đã chi 1,4 tỉ USD để nhập khẩu hơn 838 nghìn tấn cao su, tăng 6,6 % về lượng nhưng “đội” tới 20,8 % về giá trị. Điều này xảy ra khi giá cao su thế giới có xu hướng hồi phục, còn nhu cầu trong nước gia tăng cho sản xuất lốp xe, găng tay và các sản phẩm công nghiệp.
Campuchia dẫn đầu nguồn cung với khối lượng hơn 309 nghìn tấn, trị giá 424 triệu USD, dù sản lượng giảm 3 %, kim ngạch vẫn tăng 16 % nhờ giá bình quân leo lên 1.374 USD/tấn, cao hơn 20 % so với cùng kỳ năm 2024. Theo sau Campuchia là Trung Quốc (127 nghìn tấn) và Hàn Quốc (91 nghìn tấn).
![]() |
Campuchia hiện đang là nguồn cung cao su tự nhiên lớn nhất cho Việt Nam. Ảnh minh họa |
Trong giai đoạn 2018-2023, giá cao su lao dốc khiến nông dân trong nước chặt bỏ hoặc chuyển đổi cây trồng, diện tích khai thác suy giảm. Kết quả là nguồn mủ nội địa không đủ cho nhu cầu chế biến sâu và xuất khẩu sản phẩm, buộc doanh nghiệp phải tìm tới nguồn cung láng giềng. Việc nhập mủ thiên nhiên với giá cạnh tranh vẫn rẻ hơn chi phí tái mở rộng diện tích trong nước, nhất là khi Thái Lan và Indonesia đã khống chế phần lớn thị phần khu vực.
Campuchia hiện có hơn 400.000 ha cao su, trong đó 100 % diện tích tại một số dự án do doanh nghiệp Việt Nam đầu tư đã vào kỳ khai thác, tạo việc làm ổn định cho hơn 12.500 lao động địa phương. Sản lượng của riêng cụm trồng-chế biến ở Kampong Thom đạt trên 90.000 tấn mủ mỗi năm, tương đương 20 % sản lượng cả nước. Nhờ chính sách mở cửa đất nông nghiệp, thuế ưu đãi và đường biên ngắn, mủ thô Campuchia có lợi thế đặc biệt khi chảy sang các nhà máy ở Tây Ninh, Bình Phước.
![]() |
Việt Nam chi 1,4 tỷ USD để nhập khẩu cao su trong 6 tháng đầu năm. Ảnh minh họa |
Dù khối lượng xuất khẩu của Campuchia hai tháng đầu năm giảm 6,3 % so với 2024 (54.587 tấn), kim ngạch lại tăng 24 % lên 105 triệu USD nhờ giá mủ giữ ở mức gần 2.000 USD/tấn.
Hiện Thái Lan, quốc gia sản xuất cao su lớn nhất thế giới đang siết chặt quản lý, loại bỏ vườn kém hiệu quả và đặt mục tiêu nâng kim ngạch xuất khẩu lên 25,2 tỉ USD vào năm 2030. Indonesia cũng đẩy mạnh bán sang Trung Quốc, còn Malaysia tập trung chuỗi găng tay y tế. Nếu Việt Nam không bứt tốc chuyển từ xuất khẩu thô sang chế biến sâu, lợi thế chi phí nhập Campuchia có thể bị triệt tiêu khi tiêu chuẩn môi trường (như EUDR của EU) ngày càng gắt gao.