CTCP Chứng khoán Vietcap (Mã VCI) công bố báo cáo tài chính quý II/2025 với doanh thu hoạt động đạt 1.160 tỷ đồng - tăng 26,6% so với cùng kỳ năm trước. Đây là quý có doanh thu cao nhất lịch sử hoạt động.
![]() |
Bà Nguyễn Thanh Phượng – Chủ tịch HĐQT và ông Tô Hải – Tổng Giám đốc – đồng chủ trì ĐHCĐ thường niên 2025 của Vietcap |
Nghịch lý doanh thu – lợi nhuận
Bức tranh tài chính quý II/2025 của Vietcap cho thấy sự hồi phục mạnh ở hầu hết các mảng kinh doanh. Lãi từ tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) đạt 579 tỷ đồng (tăng 29%), lãi từ cho vay và phải thu đạt 258 tỷ đồng (tăng 10%), trong khi lãi từ các tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS) tăng gấp ba lần, đạt 81 tỷ.
Dù vậy, chi phí hoạt động tăng vọt lên 772 tỷ đồng – tăng hơn 115%, khiến lợi nhuận trước thuế giảm mạnh 38,5% còn 212 tỷ đồng. Đáng chú ý, phần lớn chi phí tăng đến từ lỗ tài sản FVTPL (gấp 3 lần lên 592 tỷ) và chi phí nghiệp vụ môi giới (tăng 20%).
Theo Vietcap, biến động mạnh của VN-Index – đặc biệt trong tháng 4 khi chỉ số giảm từ 1.313 về 1.073 điểm – là nguyên nhân chính khiến hoạt động tự doanh và danh mục đầu tư bị ảnh hưởng tiêu cực.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, công ty ghi nhận doanh thu hoạt động 2.011 tỷ đồng (tăng 16,8% YoY), lợi nhuận trước thuế đạt 567 tỷ đồng (giảm nhẹ 1%). So với kế hoạch lợi nhuận trước thuế cả năm 1.420 tỷ đồng, VCI mới hoàn thành 40% chỉ tiêu, trong khi nửa năm đã trôi qua.
Con số lợi nhuận này khiến Vietcap rơi lại phía sau trong cuộc đua lợi nhuận với các đối thủ cùng nhóm như SSI, TCBS, VIX hay VPS – những đơn vị đã ghi nhận lãi sau thuế hàng nghìn tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm.
Tài sản sụt giảm trái chiều so với xu hướng ngành
Tính đến cuối quý II, tổng tài sản Vietcap chỉ còn 21.898 tỷ đồng, giảm 17,7% so với đầu năm. Đáng chú ý, tiền và tương đương tiền giảm đến 90% còn 472 tỷ. Đây là diễn biến trái ngược so với xu hướng mở rộng tài sản của các công ty chứng khoán top đầu.
Hai hạng mục chiếm tỷ trọng lớn nhất vẫn là các khoản cho vay (11.307 tỷ) và tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS – 7.783 tỷ đồng). Tuy nhiên, quy mô margin gần như đi ngang, không bắt kịp nhu cầu sử dụng đòn bẩy gia tăng khi thị trường phục hồi mạnh từ đáy lên mốc 1.500 điểm – điều mà các đối thủ như SSI hay VPBankS, TCBS đang tận dụng tốt.
Danh mục AFS của Vietcap có sự hiện diện lớn của các mã: KDH (599 tỷ đồng), IDP (1.945 tỷ), PNJ (82 tỷ), FPT (233 tỷ), MBB (181 tỷ). Trong đó, cổ phiếu IDP và FPT – đều điều chỉnh mạnh từ đầu năm, khiến hiệu suất đầu tư suy giảm rõ rệt. Mặt khác, danh mục tự doanh cổ phiếu niêm yết giảm mạnh còn 33 tỷ đồng - phản ánh thực tế rằng VCI đã không tận dụng được nhiều từ đà phục hồi giá của thị trường chứng khoán trong quý II vừa qua.
![]() |
Nguồn: VCI |
Ở phía bên kia bảng cân đối kế toán, tổng nợ phải trả giảm 30,7% còn 9.459 tỷ đồng – chủ yếu do vay nợ ngắn hạn giảm 31,5%. Dù cơ cấu tài chính đang dần lành mạnh hóa, điều này cũng phần nào cho thấy Vietcap thu hẹp quy mô vay vốn – gián tiếp làm giảm dư địa tăng trưởng lợi nhuận trong điều kiện thị trường đang tích cực.
Tạo được kỷ lục doanh thu trong một quý, Vietcap vẫn chưa thực sự “vào sóng” khi lợi nhuận suy giảm, tài sản thu hẹp, danh mục đầu tư không tương thích với sóng phục hồi.