Sáng 21/7, tại buổi tọa đàm “Chuyển đổi xe xăng sang xe điện: Để không ai bị bỏ lại phía sau”, bà Nguyễn Hoàng Ánh - quyền trưởng phòng quản lý chất lượng môi trường, Cục Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, trong báo cáo của Hà Nội về ô nhiễm không khí thì ô nhiễm từ các phương tiện giao thông chiếm trên 60%.
Tuy nhiên theo nhận định của Bộ thì nguồn ô nhiễm từ giao thông là khoảng 35%, trong đó khí thải phương tiện giao thông chiếm khoảng 12% và bụi hoạt động giao thông là 23%. Đây là nguồn gây ô nhiễm lớn nhất. Một nguồn bụi rất lớn nữa chiếm khoảng 29% là bụi từ hoạt động xây dựng 17-18% và hoạt động đốt (rơm rạ, lốp xe) chiếm 15-16%. Đó là những số liệu đã được cân đong, đo đếm từ nhiều nguồn và đưa vào báo cáo tổng hợp của Bộ để trình lên Thủ tướng.
Sự chênh lệch này ngay lập tức thu hút chú ý, bởi tình trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội đã kéo dài nhiều năm và có xu hướng ngày càng tệ hơn. Trong những năm gần đây, Hà Nội thường xuyên lọt top các thành phố có chất lượng không khí kém nhất thế giới. Sau đại dịch COVID-19, khi các hoạt kinh tế phục hồi mạnh, số ngày Hà Nội có không khí sạch trở nên rất hiếm. Đáng chú ý, riêng 3 tháng cuối năm 2023 có đến 47 ngày mức độ ô nhiễm rất xấu; chỉ số AQI có ngày vượt ngưỡng 240.
Ngay cả ngày 19/7 vừa qua, trước khi mưa dông xuất hiện, 3 điểm quan trắc của Bộ đều ghi nhận chất lượng không khí ở mức rất xấu, mức gây ảnh hưởng rõ rệt tới sức khỏe nhóm người nhạy cảm.
Từ góc độ nghiên cứu, PGS.TS Hoàng Anh Lê (Trường đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, kết quả nghiên cứu của nhóm khoa học thuộc nhà trường và các nhà khoa học của Anh quốc cho thấy ô nhiễm không khí do phương tiện giao thông tại Hà Nội có sự phân hóa rõ rệt theo thời gian và loại hình phương tiện. Vào ban ngày, xe máy là nguồn phát thải chính; còn ban đêm, xe tải hạng nặng mới là thủ phạm lớn nhất.
Đáng chú ý, xe máy, phương tiện phổ biến nhất hiện nay lại tiêu thụ nhiều nhiên liệu và thải khí trực tiếp qua ống xả, không có hệ thống xử lý như ô tô. Trong khi đó, đa phần ô tô hiện đại đã có thiết bị xử lý khí thải, giúp giảm phần nào tác động đến môi trường.
Ngoài loại phương tiện, tốc độ lưu thông cũng ảnh hưởng đến mức độ phát thải. Theo nghiên cứu, tốc độ trung bình của phương tiện ở Hà Nội chỉ khoảng 35km/h, mức khiến động cơ tiêu tốn nhiên liệu nhiều hơn và phát thải mạnh hơn bình thường.
![]() |
Ô nhiễm không khí, Hà Nội báo cáo hơn 60% do giao thông nhưng Bộ NN&MT xác định chỉ 12% (Ảnh minh họa) |
Trước tình trạng ô nhiễm không khí ngày một nghiêm trọng, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị 20/CT-TTg, yêu cầu Hà Nội hiện các giải pháp, biện pháp để các tổ chức, cá nhân chuyển đổi phương tiện. Theo đó, từ ngày 1/7/2026, xe máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch sẽ bị cấm lưu thông trên địa bàn Vành đai 1, sau đó mở rộng dần ra Vành đai 2, Vành đai 3 theo điều kiện thực tế, song song với việc phát triển hạ tầng cho xe điện và giao thông công cộng.
Tương tự, TP.HCM cũng đã có kế hoạch loại bỏ khoảng 400.000 xe máy công nghệ sử dụng xăng sang xe điện. Thành phố đang hướng đến xây dựng trung tâm kiểm định khí thải xe máy và lộ trình thu hồi xe không đạt tiêu chuẩn trong giai đoạn 2025–2030.