Theo Chỉ thị 20/CT-TTg, từ ngày 1/7/2026, Hà Nội sẽ bắt đầu cấm xe máy sử dụng động cơ đốt trong tại khu vực vành đai 1. Đến năm 2028, phạm vi cấm mở rộng ra vành đai 2, và từ năm 2030 sẽ tiếp tục mở rộng đến vành đai 3. Bên cạnh đó, ô tô chạy bằng xăng, dầu cũng sẽ bị hạn chế dần theo lộ trình.

Đây được xem là bước đi không thể đảo ngược trong quá trình chuyển đổi sang giao thông xanh, nhằm giảm thiểu ô nhiễm không khí đang ngày càng nghiêm trọng tại các đô thị lớn, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là: hàng triệu xe máy xăng đang lưu thông hiện nay sẽ đi đâu?

Hàng triệu xe máy xăng đứng trước nguy cơ "mất chỗ đứng"

Theo thống kê đến hết năm 2024 của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội (nay thuộc Sở Xây dựng), thành phố hiện có khoảng 6,9 triệu xe máy, trong đó khoảng 6,4 triệu là xe chạy xăng. Ngoài ra, còn một lượng lớn xe đăng ký ở tỉnh khác nhưng thường xuyên di chuyển trong địa bàn thành phố.

Hà Nội chuẩn bị cấm xe máy xăng: Hàng triệu phương tiện chạy xăng sẽ đi đâu về đâu?
Không ít xe máy xăng cũ kỹ sẽ bị thải bỏ, gây ra áp lực lớn cho môi trường.

Với lộ trình cấm xe dần theo vành đai từ năm 2026, ước tính sẽ có hàng triệu phương tiện bị loại khỏi khu vực nội đô. Một viễn cảnh dễ hình dung là những chiếc xe này sẽ “trôi dạt” ra vùng ven, các xã ngoại thành hoặc các tỉnh lân cận như Hưng Yên, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Phú Thọ những nơi chưa có chính sách kiểm soát khí thải nghiêm ngặt.

Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời. Khi các địa phương khác cũng bắt đầu siết chặt kiểm soát khí thải và cấm xe cũ lưu thông, vòng đời của những chiếc xe này sẽ khép lại nhanh chóng. Khi đó, khả năng lớn là một làn sóng chuyển nhượng xe xăng với giá rẻ hoặc thậm chí là thải bỏ sẽ diễn ra, đẩy gánh nặng môi trường sang khu vực nông thôn hoặc các đô thị nhỏ.

Giao thông xanh: Không chỉ là cấm, mà phải tính đường chuyển đổi

Không thể phủ nhận rằng việc hạn chế xe chạy xăng là xu hướng toàn cầu và phù hợp với yêu cầu cấp bách về bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, chuyển đổi cần có lộ trình, đi kèm với hạ tầng phù hợp như: trạm sạc, nguồn điện ổn định, nguồn cung xe điện, các chính sách ưu đãi cũng như hệ thống giao thông công cộng đủ mạnh để thay thế.

Hà Nội chuẩn bị cấm xe máy xăng: Hàng triệu phương tiện chạy xăng sẽ đi đâu về đâu?
Hạn chế xe xăng là xu hướng toàn cầu, đáp ứng nhu cầu cấp thiết bảo vệ môi trường.

Tại tọa đàm “Cấm xe máy, hạn chế ô tô chạy xăng dầu ở Hà Nội: Biện pháp mạnh, hỗ trợ gì để giảm phát thải?” do Báo Dân Việt tổ chức, ông Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã nhận định: xe máy là phương tiện thiết yếu gắn liền với đời sống của phần lớn người dân Việt Nam. Việc cấm xe xăng nếu không được chuẩn bị kỹ lưỡng sẽ ảnh hưởng đến kinh tế – xã hội, đặc biệt là người lao động, người thu nhập thấp.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Mạnh Thắng – Giám đốc WhatCar Việt Nam cho biết ông từng nghiên cứu nhiều mô hình hạn chế xe xăng trên thế giới. Tại Thâm Quyến (Trung Quốc), họ chỉ cấm xe sau khi đã phát triển mạnh hệ thống tàu điện, xe buýt công cộng và có chính sách khuyến khích người dân chuyển sang xe điện như: miễn thuế, hỗ trợ mua xe, ưu tiên chỗ đỗ xe cho phương tiện xanh.

Ở các thành phố lớn của châu Âu như London, Paris, thay vì cấm xe đột ngột, chính quyền dùng biện pháp kinh tế như tăng thuế với xe chạy xăng, buộc người dân phải cân nhắc chuyển đổi.

Hà Nội chuẩn bị cấm xe máy xăng: Hàng triệu phương tiện chạy xăng sẽ đi đâu về đâu?
Chuyển sang giao thông xanh là con đường tất yếu.

Tuy nhiên, ông Thắng cũng cho rằng Hà Nội có đặc thù khác: mật độ dân cư cao, hạ tầng giao thông công cộng chưa hoàn thiện, và thói quen sử dụng xe máy còn phổ biến. Do đó, thành phố cần một lộ trình riêng, “may đo” cho từng bước chuyển đổi để tránh gây sốc cho người dân.

Chuyển đổi sang giao thông xanh là con đường tất yếu. Tuy nhiên, việc cấm xe máy xăng ở Hà Nội không thể tách rời khỏi một kế hoạch toàn diện, từ phát triển hạ tầng, hỗ trợ tài chính, thay đổi thói quen đi lại, đến xử lý rác thải cơ giới hợp lý.

Nếu không có bước chuẩn bị đầy đủ, chính sách đúng có thể trở thành áp lực nặng nề cho cả người dân lẫn chính quyền, và xa hơn là tác động tiêu cực đến quá trình phát triển bền vững của thành phố.